1. Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971 tại Nha Trang trong một gia đình nông dân nghèo. Ông cùng vợ của mình thành lập công ty cà phê từ năm 1996.
Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở TP HCM, mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện khắp mọi nơi trên toàn quốc. Năm 2003, cùng với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên dần chiếm lĩnh thị trường cà phê Việt Nam, vượt qua cả Vinacafe và Nétlé.
Liên tục phát triển mạnh mẽ công ty đã giúp ông Vũ và vợ của mình có được khối tài sản khổng lồ. Theo báo cáo của Tập đoàn Trung Nguyên qua các năm, doanh thu của công ty trong giai đoạn 2015-2017 đạt quanh mức 3.800 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của tập đoàn đạt 5.696 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn công ty chịu ảnh hưởng khi hai vợ chồng ông chủ tập đoàn liên tục xảy ra tranh chấp kiện tụng. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế của Trung Nguyên liên tục giảm qua các năm, từ 1.294 tỷ đồng (năm 2014) xuống 808,5 tỷ đồng (năm 2015), và xuống tiếp 768 tỷ (năm 2016) rồi 681 tỷ đồng (năm 2017).
Trong vài năm gần đây, Trung Nguyên đã chi gần 1.000 tỷ để làm truyền thông, 300 tỷ đồng mua siêu xe hay 200 tỷ đồng cho chương trình "Lập chí vĩ đại - khởi nghiệp kiến quốc"... Điều này cũng khiến cho tranh chấp và kiện tụng giữa hai vợ chồng lên đến đỉnh điểm.
Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm kinh doanh - chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising). Theo thông tin từ Chứng khoán Bảo Việt, Trung Nguyên cũng đã xây dựng được mạng lưới hơn 2.500 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và ở nước ngoài như Mỹ, Nhật, Singapore.
Việc ly hôn của hai vợ chồng vẫn chưa có hồi kết nên các tranh chấp về quyền lực và tài sản tới nay chưa rõ ràng.
2. Hồ Quỳnh Hưng
Là em trai nguyên Thứ trưởng Công thương - Hồ Thị Kim Thoa, ông Hồ Quỳnh Hưng, sinh năm 1971 đang "chèo lái" Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (Mã CK: DQC) vượt qua những khó khăn khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệu. Hiện, ông nắm giữ 2,5 triệu cổ phần DQC, tương đương giá trị trên 69 tỷ đồng, chiếm 8,06% cổ phần. Ngoài điều hành Điện Quang, ông Hưng còn là Ủy viên Ban chấp hành VCCI.
Điện Quang cổ phần hóa từ 2005, ba năm đầu tình hình sản xuất và kinh doanh phát triển mạnh, doanh thu và lợi nhuận luôn ở mức hai con số nhưng đến 2008 thu giảm mạnh dù chính thức lên sàn. Bước sang 2009-2014 thì kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng trở lại, song doanh thu chủ yếu đến từ khoản thu tài chính.
Từ 2015 đến 2017 lợi nhuận sau thuế bình quân của Điện Quang giảm hơn 20%. Biên lợi nhuận theo đó cũng sụt giảm đáng kể, từ mức 19,6% (2015) đến năm 2016 chỉ còn 10%.
Năm 2018, báo cáo tài chính quý IV của doanh nghiệp cho thấy, cả năm đạt 1.190 tỷ đồng tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 95 tỷ đồng, giảm 13,6% so với 2017. Theo ông Hưng, sở dĩ tình hình kinh doanh của công ty gặp khó là do thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều công ty nhỏ lẻ dễ dàng tham gia vào thị trường, sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng và bán với giá trốn thuế khiến thị phần các doanh nghiệp lớn bị giảm.
3. Tô Như Toàn
Ông Tô Như Toàn, sinh năm 1971, hiện là Chủ tịch Văn Phú - Invest.
Hình thành từ năm 2003 với tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh, đến nay Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest có nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển bất động sản, như: Khu đô thị mới Văn Phú tại Hà Đông, dự án Home City... Tổng diện tích đất Văn Phú - Invest tích luỹ được để đầu tư bất động sản lên đến 236 ha, trong đó nhiều dự án có vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội và TP HCM.
Năm 2018, tổng tài sản của Văn Phú – Invest (VPI) ghi nhận 4.397 tỷ đồng, tăng 660 tỷ so với hồi đầu năm, đã chính thức niêm yết trên sàn HNX.
Công ty THG Holdings hiện là cổ đông lớn sở hữu 23,44% vốn điều lệ của VPI. Ông Tô Như Toàn cho biết hiện sở hữu 25% cổ phần VPI và nắm hơn 40% tại THG Holdings. Tổng giá tài sản ước tính của ông Toàn đạt 1.969 tỷ đồng.
4. Nguyễn Xuân Phú
Là Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú được biết đến nhiều hơn khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam. Từng khởi nghiệp khi trong tay chỉ có 50 triệu đồng, nhưng sau 17 năm ông Phú nhanh chóng lọt vào danh sách người giàu và nắm trong tay doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng nằm trong top 5 của thị trường. Các sản phẩm của công ty có mặt trong hơn 20 triệu gia đình Việt, hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với hơn 50.000 điểm bán, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm đều đặn 30%.
Ngoài mảng đồ gia dụng, công ty của ông Phú còn tham gia đầu tư tài chính, cổ phiếu và khởi nghiệp. Không tiết lộ chi tiết về các chỉ tiêu tài chính, nhưng báo cáo của công ty cho thấy doanh thu Sunhouse dao động quanh mức 1.500 - 2.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Phú, sinh năm 1971, quê ở Nghệ An, sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu. Ông học Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên ngành tài chính.
Ra trường, ông bén duyên với kinh doanh và trải qua nhiều chức vụ khác nhau từ nhân viên cho tới trưởng phòng ở nhiều doanh nghiệp, trước khi thành lập công ty của riêng mình vào năm 2003.
5. Đoàn Văn Bình
Tốt nghiệp cử nhân kinh tế, ông Đoàn Văn Bình – doanh nhân tuổi Tân Hợi quyết định từ bỏ chức vụ giám đốc xúc tiến dự án của một tập đoàn Nhật Bản để sáng lập một công ty chuyên về xây dựng và công nghệ.
Với sự am hiểu về thị trường, ông Bình lấn sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản. Từ 2001 đến nay ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của CEO Group – một công ty chuyên về bất động sản. Song song đó, ông còn là Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.
Tính đến ngày 31/1/2019, ông đang nắm giữ 40,5 triệu cổ phiếu CEO, tương đương hơn 518 tỷ đồng, chiếm 26,2% và là người nằm trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt. Ông là người sáng lập, định hướng, đưa ra chiến lược và mục tiêu phát triển cho CEO Group - Một tập đoàn kinh tế tư nhân với 8 công ty thành viên hoạt động trong hai lĩnh vực chính: bất động sản và giáo dục đào tạo gắn với cung ứng nhân lực, trong đó có xuất khẩu lao động.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III của công ty này cho thấy, 9 tháng đạt 1.553 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 257 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ 2017. Tính đến 30/9/2018, tổng tài sản công ty đạt 7.814 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm.