Giới đầu tư và các nhà kinh tế đang đặt câu hỏi về mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%/năm mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đặt ra trong năm nay, song chưa rõ liệu những nỗ lực giảm nợ doanh nghiệp của Trung Quốc có thực sự “tương thích” với mục tiêu tăng trưởng hay không, nhất là trong giai đoạn những tháng cuối năm 2016. Dưới đây là 5 điều mà giới đầu tư cần lưu ý về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý III vừa qua.
1. Bất động sản vẫn rất “nóng”
Bất động sản là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Một số nhà phân tích ước tính, nhu cầu tiêu thụ xi măng, thép và các nguyên liệu xây dựng khác của giới phát triển bất động sản Trung Quốc chiếm tới hơn một nửa tổng đầu tư tại quốc gia này năm 2016.
Tuy nhiên, bất động sản Trung Quốc vẫn là khu vực cho thấy sự mâu thuẫn lớn trong nội tại của nó, khi sự bùng nổ diễn ra tại các trung tâm kinh tế lớn nhất của nước này, trong khi tình trạng dư thừa nguồn cung và đình trệ xảy ra các thành phố nhỏ hơn. Trước việc giá bất động sản tăng cao trong thời gian qua, trong hơn 10 ngày kể từ ngày 30/9 đến nay, có hơn 20 thành phố đưa ra chính sách hạn chế mua bất động sản và vay tín dụng, với cường độ kiểm soát có thể nói là "nghiêm nhất từ trước đến nay".
Như là một phần trong nỗ lực kiểm soát nợ đang gia tăng của Bắc Kinh, hàng chục chính quyền địa phương mới đây đã quyết định thông qua các biện pháp “hạ nhiệt” thị trường bất động sản, động thái mà giới phân tích cho rằng có khả năng làm chậm tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Trong phát biểu mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, trước một số xu thế phân hóa của thị trường bất động sản Trung Quốc hiện nay, chính quyền địa phương sẽ tăng cường trách nhiệm thi hành chính sách theo từng thành phố, nhằm bảo đảm nhu cầu nhà ở cơ bản của người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp hữu hiệu phù hợp với tình hình thực tế trong nước và đặc điểm của thành phố, nỗ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh.
2. Cơ sở hạ tầng và đầu tư khu vực tư nhân
Chính quyền Trung Quốc đã cam kết không lặp lại tình trạng thúc đẩy đầu tư ồ ạt từ các khoản đi vay mượn, tác nhân từng kéo tụt động lực tăng trưởng của Trung Quốc giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nỗi đau thắt chặt đầu tư có thể cảm nhận rất rõ trong các khu vực phụ thuộc vào sản xuất than hay thép trong quý đầu tiên của năm 2016, cũng là một bằng chứng cho thấy cam kết của Bắc Kinh, nhằm theo đuổi một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn theo hướng “bình thường mới”.
3. Sản xuất công nghiệp
Chưa đầy 1 năm sau khi sản lượng thép và điện hàng năm giảm, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, các nhà chế tạo, thậm chí cả các nhà sản xuất than và điện, đã được tận hưởng một mùa Hè khởi sắc hơn. Chính sách thắt chặt trong ngành than và ngành thép bắt đầu đem lại lợi ích, khi Bắc Kinh thẳng tay loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém hoạt động trong hai lĩnh vực này. Đứng trước những chỉ trích quốc tế nhằm vào ngành thép trong nước, chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ từng bước giảm dần công suất ngành thép.
4. Lạm phát
Nhờ giá than và thép cao hơn, giá sản xuất đầu vào 9 tháng đầu năm 2106 đã tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cũng phục hồi với mức tăng 1,9% trong tháng 9 vừa qua, cao hơn so với mức 1,3% của tháng 8. Những tín hiệu tích cực của lạm phát là một thước đo cho thấy, giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên danh nghĩa của Trung Quốc đang tăng, sau xu hướng tương tự ghi nhận trong quý II/2016.
5. Lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng cá nhân
Như một bằng chứng cho thấy quá trình tái cân bằng kinh tế Trung Quốc đang diễn ra, tiêu thụ nội địa đóng góp 4,9 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong nửa đầu năm 2016, trong khi mức tương ứng của đầu tư chỉ khoảng 2,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành dịch vụ đã bắt đầu chậm lại, đặc biệt từ sau cú sốc đổ vỡ thị trường chứng khoán cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Tóm lại, 5 chỉ dấu kể trên là thước đo để giới đầu tư cân nhắc và dõi theo, nhằm đánh giá một cách khách quan các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều vào hoạt động đầu tư, cũng như xuất khẩu, chuyển sang dựa vào nhu cầu tiêu dùng nội địa.