1. Hành vi trốn thuế:
Thông qua việc ủy thác kinh doanh vàng tài khoản với Ngân hàng ACB, Công ty B&B thu được khoản lãi hơn 100 tỷ đồng.
Do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, ông Kiên chỉ đạo Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái là bà Nguyễn Thúy Hương vào tháng 12/2008. Theo đó bà Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư kinh doanh vàng tài khoản, phí ủy thác là 1% lợi nhuận gộp và được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động đầu tư tài chính này nhưng không phải đặt cọc.
Sau đó, bà Hương ký với B&B phụ lục hợp đồng cho phép Công ty Thiên Nam ký hợp đồng ủy thác với ACB.
Kết quả, bà Hương được hưởng lợi nhuận gộp đợt 1 là 68,1 tỷ đồng sau khi đã trừ phí ủy thác. Đợt 2, bà Hương được hưởng 31,2 tỷ đồng nhưng Công ty B&B chưa trả tiền mà nhận nợ với bà Hương.
Cơ quan điều tra xác định hợp đồng với bà Hương là vô hiệu do Công ty B&B không được phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài và nhận ủy thác đầu tư. Bộ Tài chính đã tiến hành giám định đối với nghĩa vụ thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB là 25 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2009, Công ty B7B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế. Hành vi nêu trên của Nguyễn Đức Kiên phạm vào tội Trốn thuế quy định tại Điều 141 BLHS.
2. Hành vi lừa đảo
CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) do Nguyễn Đức Kiên làm đại diện theo pháp luật đồng thời là Chủ tịch HĐQT, sở hữu khoảng 29,9 triệu CP của CTCP Thép Hòa Phát.
Tháng 5/2010, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh đại diện Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,49 triệu cổ phiếu Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2012, Nguyễn Đức Kiên biết Tập đoàn Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu vốn của Tập đoàn này tại các công ty thành viên trong đó có Thép Hòa Phát nên muốn mua lại cổ phiếu Thép Hòa Phát do Công ty ACBI đang nắm giữ.
Dù 20 triệu cổ phiếu của Thép Hòa Phát chưa được giải chấp nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu cho Tập đoàn Hòa Phát.
Sau khi ký hợp đồng, phía Hòa Phát đã chuyển 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI, số tiền này ông Kiên đã chỉ đạo rút ra chi trả các khoản nợ nhưng không chuyển trả cổ phiếu cho phía Hòa Phát.
Như vậy, hành vi này của Nguyễn Đức Kiên phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 BLHS. Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh là đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên.
3. Hành vi cố ý làm trái
Ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền:
Vào tháng 3/2010, Thường trực HĐQT ACB triệu tập cuộc họp bàn phương án sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư của ACB. Ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để làm giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được.
Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên không chấp nhận phương án này và chỉ đạo không được làm giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB.
Bị cáo Lý Xuân Hải đã đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào ngân hàng để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại của các ngân hàng khác.
Sau đó, Trịnh Kim Quang, Phan Xuân Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất phương án này và ký vào biên bản cuộc họp với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND/USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lớn… Ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác.”
Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho Kế toán trưởng thực hiện ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank – Nhà Bè và Vietinbank – TP. HCM , thời hạn 3 – 6 tháng, lãi suất 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng là trên 3%năm. Tuy nhiên, số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối, rút ra chiếm đoạt 718,9 tỷ đồng.
Tổng cộng, trong giai đoạn từ 26/1/2011 đến 26/9/2011, ACB qua ủy thác đã gửi vào 22 ngân hàng số tiền hơn 28.379 tỷ đồng với lãi suất từ 7,5 – 22%/năm. Tổng tiền lãi là 1.162,5 tỷ đồng, trong đó lãi vượt trần 243,6 tỷ đồng.
ACB cũng đã gửi 71,2 triệu USD với lãi suất 3 – 6%/năm thu được tiền lãi hơn 1,2 triệu USD.
Như vậy, hành vi của Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn phạm vào tội Cố ý làm trái, gây thiệt hại hơn 718 tỷ đồng cho Ngân hàng ACB.
Đầu tư cổ phiếu ACB trái luật
Nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của các công ty chứng khoán, từ năm 2007, Bộ Tài chính đã đưa ra quy định về sự hạn chế đầu tư: công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán.
Tháng 11/2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã có quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao do nhận định giá cổ phiếu đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư sinh lợi. Thường trực HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này.
Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư một số cổ phiếu trong đó có cổ phiếu của Ngân hàng ACB. Do Công ty ACBS là CTCK do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ và theo quy định thì ACBS không được đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB.
Để lách quy định trên, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Á Châu (Công ty ACI), và CTCP Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI – Hà Nội). Đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 2.000 tỷ đồng với Công ty ACI và 700 tỷ đồng với Công ty ACI – Hà Nội. Công ty ACBS có quyền duyệt danh mục các loại cổ phiếu trước khi mua, bán.
Để Công ty ACBS có tiền mua cổ phiếu, ông Kiên chỉ đạo Ngân hàng ACB cho Ngân hàng Kiên Long vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng, cho Vietbank vay 500 tỷ đồng với lãi suất 9,8% - 11,7%/năm. Sau đó, hai ngân hàng này lại cho Công ty ACBS vay lại thông qua hình thức mua trái phiếu của Công ty ACBS, lãi suất 11,05%/năm – 14%/năm để Công ty ACBS có tiền đầu tư cổ phiếu.
Tháng 7/2010, Công ty Kiểm toán PwC phát hiện việc đầu tư này là trái pháp luật và yêu cầu ACBS phải loại bỏ số cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư.
Với yêu cầu này của kiểm toán, Công ty ACI và Công ty ACI – Hà Nội phải trả lại số tiền đã đầu tư cổ phiếu cho Công ty ACBS. Số tiền này dẫn đến ma trận giao dịch với các ngân hàng và làm thiệt hại 678 tỷ đồng cho Ngân hàng ACB.
Hành vi này của Nguyễn Đức Kiên, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định tại điều 165 BLHS, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 687,7 tỷ đồng.
4. Về kinh doanh trái phép:
Tại Công ty B&B:
Công ty B&B có ngành nghề kinh doanh, xây dựng, kho bãi, vàng bạc, quảng cáo… Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên, số vốn góp là 1.460 tỷ đồng, theo chỉ đạo của Kiên chỉ kinh doanh vàng.
Trong tháng 9 - 10/2009, Công ty B&B sử dụng 1.280 tỷ đồng để góp vốn vào CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu. Như vậy số vốn góp ban đầu đã được sử dụng gần hết, để Công ty B&B có tiền kinh doanh, ông Kiên đã phát hành 10 triệu trái phiếu chuyển đổi bán cho chính Ngân hàng ACB để lấy 1.000 tỷ đồng.
Với số tiền bán trái phiếu, ông Kiên đã sử dụng để đầu tư mua cổ phần của công ty như dùng 426,3 tỷ đồng để mua cổ phiếu của CTCP Bất động sản Hòa Phát – Á Châu, dùng 324 tỷ đồng mua cổ phiếu Ngân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank). Ngoài ra, ông Kiên cũng chuyển tiền sang các công ty khác trong “bộ sáu” để đầu tư cổ phiếu. Tổng cộng, ông Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B dùng 2.348,9 tỷ đồng để mua cổ phiếu và góp vốn vào các công ty khác.
Tại Công ty Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG):
CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, có ngành nghề kinh doanh mua bán vàng bạc đá quý, vàng trang sức, nghiên cứu phân tích thị trường, tư vấn đầu tư, xây dựng giao thông, khách sạn, nhà hàng… Công ty có vốn điều lệ là 3.200 tỷ đồng do Nguyễn Đức Kiên là người đại diện theo pháp luật, làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Tháng 3/2007, Công ty này sử dụng toàn bộ số vốn điều lệ để mua trái phiếu chuyển đổi của ACB. Đến tháng 3/2008, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Công ty này phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu bán cho Ngân hàng Phương Nam.
Số tiền bán trái phiếu, ông Kiên sử dụng để góp vốn vào các công ty khác trong “bộ sáu” như góp 100 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư tài chính Á Châu, góp 300 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Tài chính Á Châu – Hà Nội. Sau đó, lại tiếp tục góp thêm vào Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu (63 tỷ đồng), Công ty Đầu tư Tài chính Á Châu – Hà Nội (195 tỷ đồng), Công ty Đầu tư ACB – Hà Nội (210 tỷ đồng).
Thông qua Công ty này, bầu Kiên đã sử dụng hơn 4.068 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB và góp vốn vào các công ty khác.
Chồng hồ sơ đồ sồ của vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) - Ảnh chụp qua màn hình
Tại Công ty Đầu tư ACB – Hà Nội (ACBI):
Công ty ACBI có ngành nghề kinh doanh môi giới bất động sản, dịch vụ nhà đất, kinh doanh vàng bạc, kinh doanh xây dựng đường giao thông, khách sạn…
Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty chỉ kinh doanh vàng bạc và kinh doanh tài chính trái phép, góp vốn vào hàng loạt các công ty khác như Xi măng Hòa Phát, Hải Phòng Plaza, Địa ốc Hồng Hà… trong khoảng thời gian giữa năm 2007 đến 2008.
Đến tháng 3/2008, khi vốn điều lệ 300 tỷ đồng đã cạn dần, Công ty này đã phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng cho ACB và lấy ra gần 700 tỷ đồng để mua cổ phiếu Techcombank và Eximbank. Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 1.433 tỷ đồng để đầu tư tài chính qua Công ty Đầu tư ACB – Hà Nội.
Công ty Đầu tư Tài chính Á Châu – Hà Nội (ACI Hà Nội):
Công ty này có ngành nghề kinh doanh là mua bán vàng bạc đá quý, gia công vàng trang sức, đá quý, nghiên cứu phân tích thị trường, tư vấn đầu tư xây dựng cầu đường, kinh doanh khách sạn, nhà hàng… Nguyễn Đức Kiên là người đại diện theo pháp luật, là Chủ tịch HĐTV.
Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đã phát hành trái phiếu trị giá 350 tỷ đồng bán cho Vietbank, phát hành 650 tỷ đồng trái phiếu bán cho Ngân hàng ACB. Đồng thời mua lại 353,4 tỷ đồng CP của Ngân hàng ACB, mua cổ phiếu của Eximbank, DaiABank, Vietbank, KienlongBank… Tổng cộng Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 1.411 tỷ đồng kinh doanh trái phép qua Công ty này.
Tại Công ty Thiên Nam:
Công ty Thiên Nam có vốn điều lệ 11 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên là đại diện theo pháp luật. Công ty này có nhiều ngành nghề kinh doanh như sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tiêu dùng, cửa hàng ăn uống, giải khát, thiết bị tin học điện tử, tư vấn đầu tư, …
Tháng 11/2009, Công ty Thiên Nam đã ký thỏa thuận với VietBank để nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa VietBank và ACB. Công ty Thiên Nam đã tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh vàng tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, Công ty Thiên Nam đã tất toán trạng thái mua, bán theo thỏa thuận.
Đến tháng 12/2009, Công ty Thiên Nam ký hợp đồng giao dịch vàng trạng thái với quy mô giao dịch 150 nghìn ounce, hạn mức chặn lỗ là 10 triệu USD. Để thực hiện hợp đồng này, ông Kiên đã đặt nhiều lệnh mua bán.
Sau đó, do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài nên tháng 7/2010, Công ty Thiên Nam đã đặt 49 lệnh ủy thác mua 150 nghìn ounce vàng để tất toán. Sau khi tất toán, Công ty Thiên Nam đã bị lỗ 413 tỷ đồng và Ngân hàng ACB phải ứng tiền thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ này, đồng thời ghi nợ phải thu của Công ty Thiên Nam.
Ngoài ra, Công ty Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với Ngân hàng ACB, mua bán hàng nghìn tỷ đồng vàng SJC và bị lỗ 19,6 tỷ đồng. Số tiền này Ngân hàng ACB cho Công ty Thiên Nam nợ đến năm 2015.
Tổng cộng, Nguyễn Đức Kiên đã kinh doanh trái phép qua Công ty Thiên Nam với số tiền là 11.772 tỷ đồng
Thông qua 6 công ty, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 21.490,4 tỷ đồng để kinh doanh trái phép.
Hành vi nêu trên của Nguyễn Đức Kiên phạm vào tội Kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 Bộ luật hình sự.
....... Tiếp tục cập nhật
Từ ngày 20/5 – 9/6, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và 7 đồng phạm. 8 bị cáo gồm: 1. Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, trú tại Ba Đình, Hà Nội), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB 2. Lê Vũ Kỳ (SN 1956, trú tại Ba Đình, Hà Nội), nguyên phó Chủ tịch HĐQT ACB 3. Trịnh Kim Quang (SN 1954, trú tại quận 3, TP HCM), nguyên phó Chủ tịch HĐQT ACB 4. Phạm Trung Cang, (SN 1954, trú tại quận 3, TP HCM), nguyên phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB 5. Lý Xuân Hải (SN 1965, trú tại quận 10, TP HCM), nguyên Tổng giám đốc ACB 6. Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958, trú tại Đống Đa, Hà Nội), nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB 7. Trần Ngọc Thanh (SN 1952, trú tại Đống Đa, Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty ACBI 8. Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969, trú tại Long Biên, Hà Nội), nguyên Kế toán trưởng Công ty ACBI |
Trong 2 tuần xét xử từ 20/5-9/6, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo, nghe các luật sư trình bày quan điểm bào chữa, nghe các bị cáo tự bào chữa và nghe quan điểm trong phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát.
Cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Kiên với 4 tội danh Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo, Cố ý làm trái. Trong đó, tội Lừa đảo, ông Kiên có 2 đồng bọn, tội Cố ý làm trái, cùng phạm tội với ông Kiên còn có 5 cựu lãnh đạo của Ngân hàng ACB.
Trong phần xét hỏi, ông Kiên không thừa nhận phạm tội, với hành vi kinh doanh trái phép vàng, ông Kiên biện hộ rằng ông kinh doanh sản phẩm phái sinh của kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, đó là sản phẩm trạng thái giá vàng.
Với hành vi trốn thuế, ông Kiên khai rằng ông không biết và không thể biết trước việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 32 về miễn giảm thuế TNCN để từ đó ký hợp đồng ủy thác đầu tư vàng với em gái Nguyễn Thúy Hương nhằm lách luật. Nhưng ông Kiên cũng thừa nhận, tuy ủy thác đầu tư nhưng bà Hương không phải bỏ tiền mà Công ty B&B của ông Kiên tự ra tiền kinh doanh, nếu lãi, lỗ bà Hương chịu. Sau khi nhận được khoảng 68 tỷ đồng lợi nhuận từ việc kinh doanh vàng, bà Hương đã chuyển số tiền đó cho ông Kiên.
Với hành vi Lừa đảo 264 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, ông Kiên khai không có ý định lừa đảo dù số cổ phiếu bán cho Thép Hòa Phát vẫn đang bị cầm cố tại ngân hàng.
Với hành vi cố ý làm trái, ông Kiên và các đồng phạm khai rằng không cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Về Nghị quyết cấp hạn mức 700 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu, các bị cáo đều khai rằng HĐQT Ngân hàng ACB chỉ có chủ trương đầu tư một số cổ phiếu có giá tốt, thanh khoản tốt mà không hề ra quyết định đầu tư cổ phiếu ACB. Sau này, việc đầu tư là do ông Kiên thực hiện.
Cơ quan công tố xác định CTCK ACBS, công ty con của Ngân hàng ACB, đã thông qua hai công ty ACI và ACI Hà Nội (2 pháp nhân do ông Kiên thành lập) để mua hơn 50 triệu cổ phiếu ACB. Việc này là trái với quy định về hạn chế đầu tư của CTCK bởi các CTCP bị cấm mua cổ phiếu của các công ty mẹ, trong trường hợp này, ACB là ngân hàng sở hữu 100% vốn CTCK ACBS.
Ông Kiên cùng các thành viên của HĐQT ACB còn bị truy tố vì hành vi liên quan đến chủ trương ban hành Nghị quyết về việc ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền vào các ngân hàng khác để hưởng lãi suất chênh lệch.
Ngân hàng ACB đã ủy thác cho 19 cán nhân đi gửi tiền tại Vietinbank và sau đó số tiền này bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng. Các bị cáo bào chữa rằng việc ủy thác gửi tiền là không vi phạm pháp luật tại thời điểm ban hành.
Tuy nhiên, cơ quan công tố cho rằng tại thời điểm ký ban hành Nghị quyết, luật pháp chỉ cho phép các ngân hàng được thực hiện ủy thác cho vay, không có quy định nào về ủy thác gửi tiền cho các cá nhân. Sau này, khi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 được ban hành có quy định về nghiệp vụ ủy thác nhưng chưa hướng dẫn xong các bị cáo vẫn không dừng lại.
Đáng chú ý, tại phiên tòa, đã có tranh cãi gay gắt giữa Ngân hàng ACB và Ngân hàng Vietinbank về số tiền hơn 718 tỷ đồng mà các nhân viên của ACB đã gửi vào Vietinbank. ACB đòi Vietinbank phải trả lại số tiền này trong khi Vietibank đổ cho Huyền Như.