Quý IV: VN-Index dự báo duy trì đà tăng
Nhìn lại diễn biến thị trường cổ phiếu trong quý III có thể thấy, dù có giai đoạn tích lũy đi ngang, nhưng xu hướng chung vẫn là tăng điểm. Đà tăng của VN-Index chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã mới lên sàn như SAB, VJC, PLX…, góp phần kéo chỉ số này tăng hơn 50 điểm. Ngược lại, nhóm vốn hóa trung bình lại chịu áp lực điều chỉnh đáng kể.
Kết thúc quý III, các chỉ số VN Index và HNX Index tăng lần lượt 2,76% và 3,64%, nhưng khối lượng và giá trị giao dịch đều giảm nhẹ so với quý liền trước, với mức giảm tương ứng là 4,12% và 13,3%. Dù vậy, dòng tiền nội vẫn luân chuyển khá tích cực giữa các nhóm ngành. Đáng chú ý, khối ngoại vẫn duy trì đà mua ròng, giá trị lên tới gần 4.000 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu năm lên hơn 13.000 tỷ đồng.
Dự báo từ nay đến cuối năm, xu hướng tăng của VN-Index tiếp tục được duy trì, với nhiều yếu tố hỗ trợ như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định khi lạm phát trong tầm kiểm soát, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 45 tỷ USD, tỷ giá ít biến động và lãi suất được duy trì ở mức hợp lý…
Dòng tiền chảy vào thị trường tích cực, khi thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng có thể tiếp tục dư thừa ít nhất cho tới đầu tháng 12, trước khi các yếu tố mùa vụ có thể gây áp lực và trở thành nhân tố dẫn đến các nhịp điều chỉnh, tích lũy của chỉ số.
Bên cạnh đó, sau khi thị trường phái sinh đi vào hoạt động từ tháng 8, việc sản phẩm mới là chứng quyền có đảm bảo chính thức được giao dịch trong tháng 11 tới sẽ làm đa dạng hóa các sản phẩm tài chính trên thị trường chứng khoán, giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn…
Một điểm cần lưu ý là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ còn chi phối các chỉ số, đồng thời làm trụ đỡ giúp thị trường tránh khỏi các nhịp giảm sâu nếu có. Tuy vậy, sau 9 tháng đầu năm tăng mạnh mẽ, khả năng thị trường tiếp tục bứt phá là không cao, dù vẫn có thể chinh phục ngưỡng 850 trước khi kết thúc năm 2017. Ngưỡng kháng cự quan trọng sẽ là vùng 795-800 điểm.
Cơ hội còn rộng với cổ phiếu tài chính, bán lẻ, thực phẩm và bất động sản
Về phân lớp cổ phiếu, thị trường sẽ có sự phân hóa nhất định, với 3 nhóm cổ phiếu đáng chú ý.
Thứ nhất là nhóm cổ phiếu đầu ngành, vốn hóa lớn có khả năng thu hút dòng tiền và dẫn dắt thị trường.
Thứ hai, nhóm các cổ phiếu tăng trưởng có kết quả kinh doanh nổi bật, có đà tăng bền bỉ từ đầu năm, bất chấp diễn biến của chỉ số.
Thứ ba, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình có kết quả kinh doanh ổn định, nhưng đã đi ngang tích lũy, thậm chí giảm mạnh về các vùng giá chiết khấu hấp dẫn trong quý III.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần theo dõi sát sao các cổ phiếu có liên quan đến những thương vụ M&A, thoái vốn nhà nước, hay IPO.
Xét theo nhóm ngành, có 4 lĩnh vực mà nhà đầu tư cần quan tâm, đó là tài chính (ngân hàng - chứng khoán), thực phẩm tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Thông tin tích cực về các doanh nghiệp trong nhóm 4 ngành này được thể hiện qua báo cáo tài chính quý III đang và sẽ được công bố trong tuần này.
Với nhóm cổ phiếu tài chính, kỳ vọng về kết quả kinh doanh tích cực và quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía chính sách là các điểm nhấn khiến triển vọng của các cổ phiếu ngân hàng được đánh giá cao, trong khi các cổ phiếu chứng khoán được kỳ vọng hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực, đi kèm với sự phát triển của hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành hàng bán lẻ và thực phẩm tiêu dùng mang tới kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có được lợi nhuận cao, từ đó ảnh hưởng tích cực lên giá cổ phiếu của ngành.
Về lĩnh vực bất động sản, với việc chu kỳ hạch toán doanh thu, lợi nhuận vào cuối năm, khi mà nhiều doanh nghiệp đã đạt kết quả tốt trong 9 tháng đầu năm, cũng khiến cổ phiếu ngành này được kỳ vọng tích cực.