Trong đó, đáng chú ý là phương án thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần chi phối và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Nhân sự cho Ủy ban là cán bộ có năng lực, phẩm chất từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ quản lý, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thuộc một số Bộ, cơ quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, một số cán bộ từ SCIC. Đối với các DNNN thực hiện nhiệm vụ công ích, an sinh xã hội, các công ty nông, lâm nghiệp, tiếp tục giao các địa phương quản lý.
Với phương án 2 sẽ thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp SCIC. Phương án 3 là tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu – đây là mô hình doanh nghiệp, không phải ủy ban.
Trước đó, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc thành lập cơ quan này sẽ không làm giảm nhẹ mà còn tạo điều kiện để các Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào DN, bao gồm việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược đầu tư phát triển DN theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển ngành; xây dựng, lưu giữ các thông tin cơ bản về DN thuộc các lĩnh vực; ban hành danh mục, phương thức quản lý tài chính, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ công ích và giám sát, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải làm rõ cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy và tài chính của cơ quan này ngay trong đề án. Đi kèm với đó là rà soát các văn bản pháp luật, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, xóa bỏ các văn bản quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước không còn phù hợp.