Ông Đinh Ngọc Sơn- Giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp, CTCK FPT:
Trường hợp DN hoạt động trong ngành nghề chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành (chẳng hạn ngân hàng), thì thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cũng như tư cách thành viên HĐQT, tổng giám đốc trong pháp luật chuyên ngành đó.
Trường hợp DN thông thường, chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, thành viên HĐQT và ban kiểm soát phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 156, Luật Doanh nghiệp 2014 - Miễn nhiệm, bãi nhiệm và bổ sung thành viên HĐQT:
1. Thành viên HĐQT bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây: Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 151, Luật Doanh nghiệp; Không tham gia các hoạt động của HĐQT trong 6 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng; Có đơn từ chức; Trường hợp khác quy định tại điều lệ công ty.
2. Thành viên HĐQT có thể bị bãi nhiệm theo nghị quyết của ĐHCĐ.
Như vậy, nếu điều lệ công ty không có quy định khác, thì thành viên đó sẽ không đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT.
Theo quy định tại khoản 2i, Điều 149, Luật Doanh nghiệp 2014, HĐQT có quyền: “Bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định”. Như vậy, thành viên đó cũng không đương nhiên mất tư cách thành viên ban điều hành doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, để đảm bảo thông lệ quản trị tốt thì thành viên HĐQT không còn được cổ đông nhà nước cử làm người đại diện nên có đơn từ chức nêu rõ lý do. Chủ tịch HĐQT nên triệu tập họp HĐQT để phê chuẩn đơn từ nhiệm và xem xét việc có bầu bổ sung thành viên HĐQT mới, thay thế thành viên đã từ nhiệm hay không.