3 động lực tăng trưởng và 5 thách thức với kinh tế Việt Nam

Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà ổn định trong 2 năm tới với mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Họp báo công bố ra mắt Báo cáo triển vọng châu Á 2016 (Ảnh: K.T) Họp báo công bố ra mắt Báo cáo triển vọng châu Á 2016 (Ảnh: K.T)

3 động lực chính của tăng trưởng

Ông Aaron Batten cho rằng, kinh tế Việt Nam trong 2 năm tới tiếp tục tăng trưởng ổn định dựa trên 3 động lực chính. Thứ nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sau khi Việt Nam thu hút vốn FDI ở mức cao kỷ lục gần 15 tỷ USD trong năm 2015, ADB dự báo con số này sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2016, nhưng vốn giải ngân sẽ giảm nhẹ vào năm 2017.

Thứ hai là niềm tin người tiêu dùng và tín dụng được củng cố. Tăng trưởng tín dụng năm 2015 đạt mức 18% và ADB dự báo mức tăng trưởng này sẽ đạt khoảng 15-16% trong năm 2016 nhờ tiêu dùng từ khu vực tư nhân tăng cao.

Thứ ba là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng, gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Lạm phát ở mức thấp, lãi suất ở mức khích lệ để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.

Ngoài ra còn có các động lực khác như gia tăng các cam kết quốc tế bằng việc một loạt các hiệp định thương mại được ký kết, hay việc mở cửa một loạt các ngành như nới room cho 1 loạt các doanh nghiệp niêm yết, mở cửa thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng sẽ được hỗ trợ bởi mức lạm phát thấp, dù sẽ tăng lên. ADB dự báo CPI sẽ tăng 3% năm 2016 và tăng 4% trong năm 2017. Hai yếu tố tác động đến lạm phát, theo ngân hàng này, là do đồng VND mất giá USD trong xu hướng chung của khu vực, khiến giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên, và do những tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian qua.

ADB cho rằng việc thắt chặt chính sách năm 2016 có thể xảy ra, thông qua cả biện pháp hành chính lẫn lãi suất.

5 thách thức của kinh tế Việt Nam

Dù triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực, nhưng ông Aaron Batten cho rằng nền kinh tế cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong những năm tới.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ chịu rủi ro trước những bất ổn trên thị trường toàn cầu khi hội nhập sâu rộng. Việt Nam được đánh giá là dễ bị ảnh hưởng về thương mại nhất trong khối ASEAN khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng của Việt Nam có thể dễ bị tổn tương do sự liên kết thương mại với Trung Quốc tăng.

Việt Nam đang trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu ở khu vực, nên dựa nhiều vào xuất khẩu để duy trì tăng tưởng kinh tế. Vì vậy, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế khu vực hay Trung Quốc sẽ mang lại thách thức cho Việt Nam.

Thứ hai là thách thức về khả năng khôi phục sự ổn định tài chính của Việt Nam. Nợ công sắp tới ngưỡng 65% GDP, tạo áp lực về tính bền vững nợ. Chi phí trả lãi tăng nhanh do chủ yếu dựa vào vốn vay ngắn hạn trong nước chứ không phải nước ngoài, trong khi thu ngân sách giảm từ 27% GDP xuống còn 22% trong 5 năm qua. ADB dự đoán chiều hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới, đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện cải cách về thuế.

Thứ ba là thách thức về việc khôi phục cán cân thanh toán. Về kinh tế đối ngoại, cả thặng dư cán cân vãng lai và cán cân vốn thu hẹp, dự trữ ngoại hối giảm, làm giảm vùng đệm để ứng phó trong trường hợp có các cú sốc. Tuy nhiên, việc vốn FDI tăng sẽ giúp cán cân thanh toán sẽ cải thiện trong năm 2016 và 2017. ADB cho rằng cần phải xây dựng lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho nền kinh tế có sức chống chịu mạnh mẽ hơn trước bất kỳ cú sốc nào trong tương lai.

Thư tư là vấn đề giải quyết nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu đã được công bố giảm xuống dưới 3%, nhưng chủ yếu là do chuyển nợ cho VAMC. Quá trình giải quyết nợ xấu thực tế vẫn còn hạn chế. ADB cho rằng việc giải quyết, thu hồi nợ xấu trong hững năm tới nên là 1 ưu tiên hàng đầu.

Thứ năm là cải cách doanh nghiệp nhà nước. ADB cho rằng cần đẩy nhanh và tiến hành sâu hơn quá trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước, chứ không nên dừng lại ở cổ phần hóa, nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, cũng cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện năng suất và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục