Sử dụng dữ liệu từ QUICK-FactSet, Nikkei Asian Review theo dõi dòng tiền mặt của hơn 3.400 doanh nghiệp niêm yết trên toàn cầu và phát hiện, ¼ số này sẽ cạn tiền nếu doanh số bán hàng giảm 30% trong 6 tháng tới.
Nếu doanh số giảm 10% trong 3 tháng, 9% các công ty lớn nhất thế giới sẽ không còn tiền mặt. Đây là trong giả thuyết các doanh nghiệp này không phải thanh toán các khoản nợ đến hạn. Nếu doanh số bán hàng giảm 30%, 24% các doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu sẽ cạn tiền trong vòng 6 tháng.
Thông thường, các công ty có thể giải quyết vấn đề dòng tiền bằng cách cắt giảm cổ tức, tái cơ cấu nợ hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản các khoản nợ được tái cơ cấu, 9% các công ty vẫn cạn tiền nếu doanh số bán hàng giảm 30% trong 6 tháng. Con số này tăng lên 32% nếu mức giảm doanh số là 60% trong 12 tháng.
Nhiều quốc gia đã bắt đầu kích hoạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mới, dễ dàng hơn trong việc huy động thêm vốn. Đầu tháng 4, hãng hàng không EasyJet đã nhận được nguồn vốn 600 triệu bảng Anh (747 triệu USD) từ Ngân hàng trung ương Anh, trong bối cảnh hoạt động hàng không chịu tổn thất lớn vì dịch bệnh.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị mua vào 750 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả các loại trái phiếu rủi ro cao. Con số này tương đương với 13% thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại đây.
Chính phủ Đức đang thực hiện chương trình cho vay không hạn mức đối với các doanh nghiệp nộp đơn. Số lượng dự kiến tới nay đã đạt 17,2 tỷ euro.