Bản đồ dưới đây cho thấy vị trí các tàu container của Hanjin đang “mắc kẹt” vì các cảng biển từ chối nhận hàng. Theo đó, 23 tàu đỗ gần bến cảng của 23 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ, ở trong tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa, thông báo từ Hanjin cho biết.
Vị trí các tàu chở hàng của Hanjin Shipping đang "mắc kẹt"
Hanjin Shipping là hãng vận chuyển hàng hóa bằng container đường biển lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ bảy trên thế giới, với thị phần khoảng 2,9%.
Sắp tới mùa cao điểm
Tình trạng này diễn ra vào thời điểm cao điểm của giai đoạn chuyển hàng, phục vụ cho dịp lễ Tạ ơn, lễ giáng sinh và năm mới, do đó ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung cấp hàng hóa trên toàn cầu.
Mới đây, LG Electronics Inc cho biết, Công ty đang tìm kiếm một nhà vận chuyển hàng hóa mới. Các chuyến hàng do Hanjin đảm nhiệm chiếm khoảng 15-20% lượng hàng hóa vận chuyển tới Mỹ của LG. Trong bối cảnh này, Huyndai Merchant Marine Co, nhà vận tải container lớn thứ hai của Hàn Quốc, cho biết đang lên kế hoạch điều động thêm 13 tàu để hỗ trợ các công ty vận chuyển hàng hóa.
“Các cảng biển sẽ không nhận hàng hóa từ các tàu của Hanjin bởi lo ngại phí cảng biển và các chi phí khác sẽ không được thanh toán. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần tới”, Tahul Kapoor, giám đốc Drewry Maritime Services Pvt cho biết.
Bên cạnh đó, các công nhân tại cảng Busan, Hàn Quốc từ chối làm việc bởi Công ty chưa thanh toán các khoản tiền còn nợ họ.
Với các nhà bán lẻ tại Mỹ, vụ việc này mang lại mối lo lắng về hàng hóa cho các dịp lễ lớn cuối năm. Hệ thống các nhà bán lẻ tại Mỹ đang nỗ lực hợp tác để hạn chế thấp nhất những rủi ro mà việc trì hoãn nhận hàng mang lại.
Hiệp hội Các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ (RILA) đang thúc giục Bộ Thương mại Mỹ vào cuộc để “giải cứu” hàng hóa đang nằm trên các con tài của Hanjin.
“Trong khi vụ việc đang được tìm cách giải quyết, những tổn thất là có thể dự báo trước. Chúng tôi thúc giục Bộ Thương mại Mỹ, Uỷ ban Đường biển liên bang Mỹ cùng làm việc với các bên có liên quan, bao gồm các cảng biển, công ty xếp dỡ hàng hóa và chính phủ Hàn Quốc, nhằm nhanh chóng giải quyết sự gián đoạn này và giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra”, Sandy Kennedy, Chủ tịch RILA cho biết.
Tiến trình tại tòa
Vào ngày 31/8, Tòa án trung tâm Seoul đã chấp nhận thụ lý tài sản theo đơn của Hanjin nhằm bảo vệ số tài sản này trong quá trình thực hiện việc phá sản. Một kế hoạch cụ thể dự kiến sẽ được nộp lên tòa án vào ngày 25/11, theo tuyên bố của tòa án, với người đại diện cho Công ty là CEO Seok Tae Soo.
Hanjin nộp đơn lên tòa án sau khi các chủ nợ của Công ty không chấp thuận kế hoạch tái cấu trúc. Thiếu sự hỗ trợ của các chủ nợ, cùng với việc kết quả kinh doanh giảm sút kể từ cuối năm 2015, Hanjin dự kiến sẽ thua lỗ 5 tỷ USD trong năm nay.
Hanjin Shipping là một phần của Hanjin Group, Tập đoàn sở hữu Korean Air Lines Co, nhà vận chuyển hàng hóa đường không lớn thứ ba thế giới. Korea Air đã hỗ tợ tài chính cho Hanjin Shipping và mua cổ phần tại đây vào năm 2014, trở thành cổ đông lớn nhất với 33% vốn điều lệ.
Tập đoàn Hanjin, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, logistics và cảng biển, có Chủ tịch là Cho Yang Ho.
Cổ phiếu lao dốc
Các trái phiếu của Hanjin Shipping đến hạn vào tháng 6/2017 đang giảm lãi suất xuống còn 13,4% chiều nay (5/9) tại Seoul, theo Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, sau khi đạt mức 90% vào tháng 3/2016. Cổ phiếu của Công ty đã bị tạm ngừng giao dịch sau khi giảm 24% trong ngày thứ Ba (30/8), xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2009.
Khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc là theo đường biển, trong số đó, Hanjin Shipping chiếm khoảng 6%, theo Cheong Seung Il, quan chức Bộ Thương mại Hàn Quốc. Do đó, chính phủ Hàn Quốc cho rằng, việc Hanjin phá sản không có tác động lớn tới xuất khẩu, mặc dù sẽ có ảnh hưởng tới việc vận chuyển một số loại hàng hóa nhất định, như đồ điện tử và vải dệt.