Kinh tế thế giới có thể sẽ ảm đạm
Lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động là những yếu tố then chốt mang lại nhiều thập kỷ tăng trưởng và giá cả ổn định cho thế giới. Tất cả những yếu tố này đã biến mất trong năm 2022, khiến lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Các ngân hàng trung ương đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, tổn thất hàng nghìn tỷ USD. Kinh tế thế giới đang đứng trước rủi ro suy thoái.
Tuy vậy, vẫn có những hy vọng cho năm 2023. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể “hạ cánh mềm” và mùa đông qua đi có thể giúp châu Âu giảm bớt áp lực tích trữ năng lượng để sưởi ấm, hay Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Một số khả năng đó đã xuất hiện vài tuần trước, khi Mỹ công bố lạm phát tháng 11 thấp hơn dự kiến và Trung Quốc phát đi tín hiệu điều chỉnh chính sách phòng chống dịch Covid-19. Ngay cả khi những tín hiệu đó không thành hiện thực, những nhà đầu tư lạc quan vẫn có thể bắt đầu đặt cược vào sự phục hồi của kinh tế thế giới khi cho rằng lãi suất đã quá cao và tăng trưởng đã chạm đáy.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 không thay đổi ở mức 2,5%, đồng thời chỉ ra các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu (lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, chuỗi cung ứng khó khăn) tiếp tục giảm.
Lãi suất cơ bản của Fed dự kiến đạt 5%/năm vào đầu năm 2023. Với chi phí đi vay cao hơn, các ngành nhạy cảm với lãi suất (từ bất động sản đến ô tô) đang bị ảnh hưởng. Bloomberg dự báo kinh tế Mỹ suy thoái vào nửa cuối năm 2023, hơn 2 triệu người Mỹ có thể sẽ mất việc.
Tình hình có thể tốt hơn nếu lạm phát biến mất nhanh chóng, nhưng ngược lại sẽ tệ hơn khi đại dịch khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng khủng hoảng, đẩy “tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên” lên cao hơn mức đã có trong những năm gần đây. Nếu điều đó xảy ra, Fed có thể phải tăng lãi suất lên 6%/năm, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái dài hơn và sâu hơn. Khó khăn sẽ nhân rộng trên toàn thế giới, vì hầu hết quốc gia đều có chung vấn đề lạm phát và các ngân hàng trung ương cũng đang đi theo con đường tương tự Fed để khắc phục.
Bloomberg Economics dự báo, chi phí năng lượng cao và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất sẽ đẩy EU vào suy thoái, với GDP giảm 0,1% vào năm 2023. Với một chút may mắn (thời tiết tốt) và các chính sách điều tiết năng lượng phù hợp, châu Âu có thể tránh được nguy cơ này. Nếu không có cả hai, kinh tế khu vực này sẽ co lại tương đương với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu gần nhất.
Về phía Trung Quốc, Bloomberg dự báo GDP nước này có thể tăng trưởng 5,7% trong năm 2023. Nếu mở cửa lại nền kinh tế, động lực tăng trưởng sẽ bù đắp được cho lực cản từ bất động sản suy yếu. Còn nếu tăng trưởng của Trung Quốc vẫn chậm lại thì sẽ gây ảnh hưởng khắp thế giới; trong đó, chịu tác động lớn sẽ là láng giềng của nước này và những nhà sản xuất hàng hóa lớn như Australia và Brazil.
Thị trường vàng dự báo có “sóng”
Việc áp trần giá dầu thô từ phương Tây và các động thái trả đũa của Nga có thể gây ra sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023.
Nhiều chuyên gia dự báo thị trường vàng năm 2023 sẽ đón “sóng” nhờ thị trường tài chính biến động mạnh. Ông Juerg Kiener, Giám đốc điều hành hãng dịch vụ tài chính Swiss Asia Capital (Singapore) cho rằng, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 2.500 - 4.000 USD/ounce trong năm nay. Nhiều nền kinh tế có thể đối mặt với suy thoái nhẹ trong quý I, khiến các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất và vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn.
“Không chỉ tăng 10%, hay 20%, mà có thể thiết lập những kỷ lục mới", ông nói.
Cũng theo ông Juerg Kiener, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao tại nhiều nơi trên thế giới. Vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát rất tốt, một sản phẩm đầu tư hấp dẫn trong thời kỳ lạm phát đình trệ.
Đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã bổ sung thêm lượng vàng trị giá 1,8 tỷ USD vào kho dự trữ của mình, nâng tổng giá trị tích lũy lên khoảng 112 tỷ USD. Các nước châu Á khác cũng đang đẩy mạnh mua kim loại quý này.
Cùng quan điểm trên, Mike McGlone, chiến lược gia vĩ mô cấp cao của Bloomberg Intelligence thậm chí cho rằng vàng có thể đã chạm đáy trong năm 2022. McGlone cho biết, ông coi vàng là một mặt hàng có hiệu suất cao nhất vào năm 2023. McGlone nghiêng về kịch bản kim loại quý này có thể vượt trên 2.000 USD/ounce vào năm nay và sẽ không trở lại vùng giá của năm 2022.
Giám đốc Nghiên cứu toàn cầu của Standard Charted, ông Eric Robertsen cũng dự đoán giá vàng có thể lên 2.250 USD/ounce khi niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm đột ngột vào hệ sinh thái tiền điện tử. Ông không loại trừ thị trường tiền mã hóa còn chứng kiến thêm nhiều “nỗi đau” trước mắt.
Giá dầu có thể tăng
Năm 2022, cuộc khủng hoảng năng lượng đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu, giá dầu thô có lúc lên trên 120 USD/thùng rồi lại xuống dưới 80 USD/thùng. Giá dầu tăng chủ yếu do OPEC cắt giảm sản lượng, xung đột địa chính trị Nga - Ukraine. Dự báo năm 2023, vấn đề năng lượng, nhất là nguồn cung dầu vẫn là thách thức với các nước tiêu thụ, giá dầu tiếp tục tăng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về thị trường và địa chính trị.
Mới đây, Bank of America (BofA) dự báo rằng giá dầu Brent có thể nhanh chóng vượt mốc 90 USD/thùng và giữ mức trung bình quanh mốc 100 USD/thùng vào năm 2023 nhờ vào sự chuyển dịch lập trường sang hơi hướng bớt “diều hâu” hơn của Fed và Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế. Cùng với đó là việc nguồn cung của Nga giảm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày và OPEC+ có thể sẽ thực hiện đầy đủ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày nhằm thúc đẩy giá dầu.
BofA cho biết: “Dự báo về nhu cầu và giá dầu của chúng tôi cho năm 2023 phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, nếu có tình trạng chậm trễ nào trong mở cửa trở lại ở châu Á thì đều có thể ảnh hưởng đến xu hướng giá dự kiến của chúng tôi”.
Ngân hàng này cho biết thêm rằng con đường có thể không dễ dàng với Trung Quốc do mức độ dịch bệnh ở nước này vẫn đang diễn ra rất phức tạp.
Ở góc nhìn khác, các chuyên gia tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo rằng, việc Trung Quốc mở cửa lại giai đoạn đầu sẽ khiến giá dầu có thể tăng lên 116 USD/thùng. Nhìn chung, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trong quý I và quý II/2023 ở mức lần lượt là 90 USD/thùng và 95 USD/thùng, còn trong hai quý cuối năm 2023, giá dầu Brent sẽ tăng lên 100 - 105 USD/thùng.
Các chuyên gia cũng dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu mạnh mẽ trong suốt năm 2023. Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2,3%, sau khi tăng 2,55 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Trước đó, OPEC+ đã thực hiện cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày. OPEC+ đang thực hiện các cam kết chung để duy trì sự cân bằng của thị trường toàn cầu.
Còn một lo ngại nữa xung quanh việc áp mức trần đối với giá dầu thô của Nga là sẽ tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt sản lượng, đặc biệt nếu Nga cam kết ngừng xuất khẩu sang các nước sẽ áp dụng mức giá trần này.
Mặt khác, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol dự báo, thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu sẽ khan hiếm nguồn cung nhiều hơn vào năm tới, với sự gia tăng nhập khẩu của châu Âu và khả năng phục hồi nhu cầu của Trung Quốc.