Cuộc khủng hoảng niềm tin
Nắm bắt “cơn sốt” đất đai cùng với nhu cầu nhà ở ngày tăng cao, nhiều năm qua, hàng loạt doanh nghiệp đã tung đủ chiêu rao bán dự án bất động sản “ma” để lừa đảo khách hàng. Điều này đã khiến không ít nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ mất trắng tiền tỷ, gây mất an ninh trật tự, “rối loạn” thị trường, mà còn phá vỡ quy hoạch đô thị.
Những ngày cuối năm 2019, dư luận một lần nữa tiếp tục bị “sốc” trước thông tin nạn nhân P.Đ.T.D (sinh năm 1978, ngụ tại Mễ Cốc, phường 15, quận 8, TP.HCM) đã cầm súng tự tử lại Bệnh viện Trưng Vương sau một thời gian dài trầm cảm. Được biết, ông D. làm nghề kinh doanh bất động sản và có biểu hiện trầm cảm vì bị lừa 3 tỷ đồng khi đầu tư đất nền tại Vũng Tàu của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.
Không ít người lo ngại, sau vụ tự tử của nạn nhân D. sẽ còn bao nhiêu người lâm vào bi kịch tương tự? Bởi sau Địa ốc Alibaba là hàng loạt công ty bất động sản bán dự án “ma” bị phanh phui như vụ Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina), vụ Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) và vụ Giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Thịnh Phát Nguyễn Hữu Kha bị công an phong tỏa tài khoản...
Tuy nhiên, khi thông tin về các vụ án trên chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, UBND quận 9 (TP.HCM) lại tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình trạng bán dự án “ma” trên địa bàn quận này. Theo UBND quận 9, trên phần đất thuộc thửa 1051, 1064, tờ bản đồ số 03 (TL 02/CT-UB) cũng ở phường Phú Hữu đang được Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Tân Thành Công phân lô bán nền.
Qua rà soát, UBND phường Phú Hữu cho biết, khu đất trên diện tích gần 5.000 m2, mục đích sử dụng đất trồng lúa đã được UBND quận 9 cấp cho bà Lê Thu Hồng ngày 4/5/2001 và cấp cho ông Nguyễn Văn Trọng ngày 6/11/2001. Cùng tháng 11/2001, ông Trọng chuyển nhượng một phần diện tích gần 3.000 m2 cho bà Bùi Thị Nga sử dụng.
“Hiện nay, tại các thửa đất 1051, 1064, tờ bản đồ số 03 (TL 02/CT-UB) chưa chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất ở; chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phê duyệt hạ tầng để thực hiện việc phân lô tách thửa. Do đó, các hợp đồng giao dịch dưới mọi hình thức mua bán nền đất trên khu đất này (đất nông nghiệp) là không phù hợp với quy định pháp luật”, đại diện UBND quận 9 cảnh báo.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, đây là tâm lý khá dễ hiểu, vì đất nền là phân khúc tập trung nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Với phân khúc này, tâm lý nhà đầu tư rất dễ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ việc xảy ra khiến nhà đầu tư e ngại.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, những tháng cuối năm 2019 được xem là khoảng thời gian khó khăn của thị trường đất nền do bước vào chu kỳ khủng hoảng niềm tin của người mua. Những câu chuyện liên quan đến dự án “ma” hay chính sách chưa rõ ràng khiến niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay.
“Minh chứng cho điều này là dựa vào kết quả khảo sát của batdongsan.com.vn, nhu cầu về rao bán đất nền dự án trên địa bàn một số quận, huyện TP.HCM như quận 2, quận 9, huyện Bình Chánh… giảm khoảng 10%”, ông Anh dẫn chứng.
Và cuộc sàng lọc của thị trường
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu “Địa ốc Alibaba” bị cơ quan chức năng “lật tẩy” không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang có mưu đồ kinh doanh bất chính, mà còn là bài học đắt giá cho những nhà đầu tư.
“Câu chuyện của nạn nhân D. quả đúng là một sự việc rất đau lòng. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân mắc bẫy và không biết có còn vụ việc tương tự?”, ông Phúc nói và hy vọng rằng, sự việc trên sẽ đủ sức thức tỉnh những người có tư duy đầu tư đất nền quá dễ dãi, ảo tưởng thu về lợi nhuận cao.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, thời gian qua đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở… đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, thiệt hại rất lớn.
Theo ông Châu, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là UBND quận, huyện cần có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp núp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản cần bổ sung quy định về giá trị đặt cọc không vượt quá 5% giá tạm tính của sản phẩm bất động sản. Lý do, việc nhận đặt cọc với giá trị lớn cũng không phù hợp, gây thiệt hại lớn cho người mua.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Châu cho rằng, khi mua bán bất động sản, người mua phải hết sức tỉnh táo. Trước khi mua đất, phải tìm hiểu thật kỹ thông tin dự án, chủ đầu tư thực sự của dự án, có quyền yêu cầu bên bán cho xem các giấy tờ pháp lý, hợp đồng… liên quan đến lô đất hoặc dự án.
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản 2020 sẽ đứng trước những khó khăn không nhỏ. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín, có những kế hoạch ứng phó với sự biến động của thị trường và thanh khoản mang tính dài hơi thì vẫn trụ lại và tăng trưởng tốt.
“Năm 2020, doanh nghiệp cần phải làm ăn minh bạch hơn vì thị trường đang có sự điều chỉnh và có sự giám sát chặt chẽ từ Nhà nước. Đã đến lúc doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hơn, cần cơ cấu lại các mặt hàng, sản phẩm cho cân đối, phù hợp thị trường”, ông Lực nói và cho rằng, năm 2020 là năm điều chỉnh chiến lược, củng cố và tạo tiền đề.
Theo ông lực, mặc dù tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất định, nhưng kinh tế vẫn còn đà tăng trưởng tốt. Trong đó, thị trường bất động sản tiếp tục sàng lọc, điều chỉnh. Mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp để có thể thích ứng, tận dụng được cơ hội và vượt lên thách thức.