Xuất siêu 154 tỷ USD sang châu Âu - châu Mỹ
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) đã thông tin những con số kỷ lục về thương mại với khu vực thị trường này tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 250 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu ước đạt 202,1 tỷ USD, tăng 20,3%; nhập khẩu ước đạt 47,9 tỷ USD tăng 12,6%.
|
Hội nghị tổng kết công tác phát triển thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. |
Thặng dư thương mại với thị trường châu Âu - châu Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 150 tỷ USD, ước đạt 154,2 tỷ USD.
Kết quả trao đổi thương mại với khu vực thị trường này đã góp phần tạo nên con số gần 800 tỷ USD về thương mại của nước ta trong năm qua, xuất khẩu vượt 400 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với 23,75 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong khu vực châu Âu - châu Mỹ đều nhập khẩu một lượng rất lớn hàng hóa Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2024 ước đạt 119,3 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2023; EU ước đạt 51,9 tỷ USD, tăng 18,8%; thị trường các nước CPTPP ở châu Mỹ (Canada, Mexico, Chile, Peru) ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 17%; Anh ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 19,6%; các nước EAEU ước đạt 3,3 tỷ, tăng 31,5%.
Duy chỉ có xuất khẩu sang các nước khối Mercosur chứng kiến mức sụt giảm 6,5%, ước đạt 3,4 tỷ USD trong năm 2024.
Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2024 đều chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng so với năm 2023.
Dẫn đầu là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 34,6 tỷ USD, tăng 39,7%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 33 tỷ USD, tăng 24,4%; Hàng dệt, may ước đạt 23,4 tỷ USD, tăng 12%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 12,5%; giày dép các loại ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 16,5%; Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt gần 10 tỷ USD, tăng 21,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt gần 6 tỷ USD, tăng 7%; hàng thủy sản ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 18,8%..
"Bối cảnh thị trường thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu được các đơn vị trong Bộ Công thương liên tục triển khai trong năm qua đã góp phần tạo nên những con số kỷ lục về thương mại với 250 tỷ USD", ông Tạ Hoàng Linh nói.
Dấu ấn của năm 2024, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đã thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo đó, trong năm 2024, đơn vị đã triển khai các hoạt động thuộc Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, tổ chức thành công chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế “Viet Nam International Sourcing 2024” vào tháng 6/2024 tại TP. HCM, các tuần hàng Việt Nam tại các nước: Nhật Bản, Đức, UAE.
Tại sự kiện này, các tập đoàn Walmart, Amazon (Hoa Kỳ); Falabella (Chilê); Carrefour, Decathlon (Pháp); Coppel (Mexico); IKEA, H&M (Thụy Điển)... đều cam kết tăng đặt hàng từ các nhà cung ứng Việt.
Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ đã tổ chức, kết nối với doanh nghiệp kiều bào ở nước ngoài tổ chức Hội nghị kết nối doanh nhân, trí thứ kiều bào tại Hoa Kỳ (tháng 11/2024) với chủ đề: “Phát huy nguồn lực của trí thức và doanh nhân kiều bào tại Hoa Kỳ, đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp, năng lượng và thương mại Việt Nam”.
Dự báo, năm 2025, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tận dụng tối đa các quan hệ chính trị - ngoại giao để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư với các nước trong khu vực.
Chú trọng nắm bắt tình hình, những biến động chính sách của nước sở tại để tham mưu, phản ứng chính sách phù hợp, khả thi, nghiên cứu việc nâng cấp, ký kết các FTA mới với các thị trường tiềm năng, làm tốt hơn chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại.