“Mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam”
"Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam", nhận xét của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng của Việt Nam được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trích dẫn tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra 2 ngày cuối năm 2019 đã nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo người dân.
Nhận xét của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra trong bối cảnh, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhưng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 7,02%, cao hơn kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn so với kế hoạch Quốc hội đề ra, tỷ lệ nợ công so với GDP giảm mạnh xuống mức 56%, thị trường tiền tệ ổn định, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD , trong đó xuất siêu gần 10 tỷ USD…
Làm rõ thêm về chất lượng tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2019 diễn ra mạnh mẽ, mô hình tăng trưởng bước đầu có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN 4 dần được thu hẹp.
Nhiều nỗ lực chính sách tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được thực hiện, hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tính đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt xấp xỉ 79 tỷ USD. Riêng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 20 tỷ USD, tức là đưa ra nền kinh tế xấp xỉ 500.000 tỷ đồng, nhưng vẫn chủ động điều tiết trung hòa đảm bảo không gây tác động lên lạm phát. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để giữ nền tảng chung cho cả nền kinh tế vĩ mô, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.
Chính WB cũng đã ghi nhận những thành tích này trong báo cáo Điểm lại và dành những đánh giá tích cực cho Việt Nam: “Năm 2019 có thể được coi là một năm tương đối tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới”.
Với đà tăng trưởng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu năm 2020 phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019.
Trong thách thức có cơ hội
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong năm 2019, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự bứt phá trong toàn hệ thống chưa rõ nét, cơ cấu nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. “Có những công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng thiếu quyết liệt, có nơi còn trì trệ, né tránh, thậm chí đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Do đó, trong năm 2020, với phương châm hành động 12 chữ là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả", Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thành và hướng tới hoàn thành vượt mức yêu cầu của Quốc hội giao trong năm 2020, mà trước hết là 2 chỉ tiêu: tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% (Quốc hội giao tăng khoảng 7%) và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2% (Quốc hội giao dưới 3%).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp chúng ta trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 - cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc.
Một thách thức khác cũng được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra là đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ hơn 108 triệu người, tức tăng thêm trên dưới 12 triệu người trong vòng 25 năm tới, đồng thời tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người. Trước mắt, từ nay đến năm 2025 là gần 5,5 triệu người. Đây sẽ là một thách thức rất lớn mà Chính phủ, chính quyền địa phương phải giải quyết.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nhìn ở mặt khác, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm không ai khác chính là nhóm lao động tăng thêm này. Do đó, quan điểm của Chính phủ là cần trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở miền núi, nông thôn, vùng sâu và vùng xa. “Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm: không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển”, Thủ tướng khẳng định.