Đây cũng là một trong những hoạt động cụ thể trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khóa tập huấn đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó hầu hết là những doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành du lịch, dịch vụ và ngành nông nghiệp.
Đến với buổi đào tạo, các doanh nghiệp tham dự cho biết, dù đã có nhận thức về vai trò cần thiết, những lợi ích mà chuyển đổi số có thể đem lại, nhưng việc áp dụng, triển khai trong thực tế thì còn nhiều khó khăn, chưa biết phải chuẩn bị những gì và bắt đầu từ đâu. Chính vì vậy, các buổi đào tạo tập huấn, hướng dẫn như này là rất cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19/10/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Với mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số. Để đạt được mục tiêu trên thì thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các kế hoạch và chương trình hành động của tỉnh Khánh Hòa.
Theo Bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo về việc khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa các cơ hội, lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.
“Có thể dễ dàng nhận thấy một tỷ trọng không nhỏ các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động bán hàng, quản lý khách hàng, kênh phân phối hay các nghiệp vụ quản trị.
Được biết, trong hơn 1 năm vừa qua, từ khi Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, định hướng về thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chúng tôi đã nhìn thấy sự chuyển biến tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải chuyển đổi số, kết quả mà chuyển đổi số mang lại và bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung”, bà Hương chia sẻ.
Trong tháng 10 này, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia (10/10), Chương trình đã tăng cường thêm nhiều hoạt động như phối hợp với các địa phương như Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và USAID thông qua Dự án LinkSME để tổ chức đào tạo, hướng dẫn triển khai và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, Chương trình đã hỗ trợ đào tạo, tư vấn, nâng cao nhận thức trực tiếp cho hơn 6.500 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố, và hàng nghìn doanh nghiệp tiếp cận trực tuyến khác. Đồng thời, Cục cũng cử các đoàn chuyên gia trong mạng lưới đến các doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên toàn quốc để hỗ trợ trực tiếp từ tháng 9/2022 trong khuôn khổ Gói Hỗ trợ xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Tại buổi tập huấn, chuyên gia của chương trình cũng đã giới thiệu tổng quan và ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; các giai đoạn chuyển đổi cho doanh nghiệp trong kinh doanh, quản trị đến chuyển đổi số một cách toàn diện. Đồng thời chia sẻ các xu hướng công nghệ của chuyển đổi số; hướng dẫn các doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số và chia sẻ lộ trình, các ví dụ thực tiễn về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.