Vất vả ở chỗ chúng tôi phải mày mò nghiên cứu những điều còn mới mẻ, còn lạ lẫm về thị trường chứng khoán (TTCK) từ các nước trên thế giới để áp dụng vào TTCK Việt Nam. Còn tự hào là vì chúng tôi là những người đi tiên phong, mở đường cho thị trường đi về phía trước.
Làm sao để chính sách phát triển của TTCK Việt Nam phù hợp với thực lực và các yếu tố nội tại của nền kinh tế, cân bằng với các yếu tố văn hóa, chính trị - xã hội, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển theo những thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hơn nữa phải mang tính khả thi... Cân bằng được những yếu tố đó và còn nhiều hơn nữa là điều mà những người làm công tác xây dựng chính sách phải thường xuyên đau đáu trăn trở.
Dấu ấn chính sách qua những đề án
Công tác xây dựng cơ chế chính sách đã được ghi dấu qua những đề án của thị trường từ những ngày đầu thành lập tới nay. Dưới sự chỉ đạo sát sao của các thế hệ lãnh đạo UBCK, từ vị Chủ tịch đầu tiên là TS. Lê Văn Châu, tiếp đến là Chủ tịch Nguyễn Đức Quang, Chủ tịch Trần Xuân Hà (nay là Thứ trưởng Bộ Tài chính) và hiện nay là Chủ tịch Vũ Bằng, cùng với các thế hệ lãnh đạo gạo cội của các đơn vị trong Ủy ban và những chuyên viên làm công tác xây dựng chính sách, một loạt đề án, phương án, chiến lược phát triển thị trường trên các lĩnh vực đã được xây dựng.
Khởi đầu là Đề án “Trung tâm giao dịch cổ phiếu, trái phiếu Việt Nam”. Đề án này là tiền đề cho sự ra đời của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM năm 2000 và sau này là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Nhóm đề án thứ hai bao gồm: Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến 2010 ban hành kèm theo Quyết định 163/2003/QĐ-TTg ngày 5/8/2003 và Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, ban hành kèm theo Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012.
Thứ ba là Đề án xây dựng thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt.
Thứ tư là phương án tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (thị trường UPCoM).
Thứ năm là Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam. Đây là bước tiến đột phá trong công tác chỉ đạo xây dựng chính sách phát triển thị trường của Chính phủ trong Chiến lược phát triển TTCK nói chung.
Thứ sáu là Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đang được Ủy ban trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ trên cơ sở hợp nhất HOSE và HNX, thực hiện công tác hoàn thiện cấu trúc TTCK .
Từ một thị trường hai sở giao dịch tiến tới hợp nhất thành một thị trường một sở, góp phần nâng cao công tác quản lý giám sát và vận hành thị trường hiệu quả, tiết giảm được chi phí cho thành viên, phù hợp với xu hướng phổ biến trên thế giới trong quá trình phát triển thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Dấu ấn chính sách còn được thể hiện qua công tác xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TTCK, đặc biệt là các văn bản pháp lý khung của thị trường như Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK vào thời gian đầu thị trường đi vào hoạt động. Tiếp đến là Nghị định 144/2003/NĐ-CP về TTCK thay thế cho Nghị định 48. Và hiện nay là Luật Chứng khoán số 70 ngày 23/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24/11/2010, được ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của TTCK và thực tế thi hành Luật Chứng khoán 2006.
Cùng với đó là hàng loạt văn bản hướng dẫn Luật đã được xây dựng, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường như: chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài; chính sách về công bố thông tin; chính sách về thuế, phí, lệ phí trên TTCK; chính sách về giao dịch chứng khoán trên TTCK và chấp thuận các quy chế hoạt động của hai sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Các chính sách này đã góp phần làm tăng tính công khai minh bạch của TTCK, nâng cao nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức tham gia thị trường, kịp thời điều chỉnh cách thức giao dịch của thị trường một cách hợp lý để thị trường vận hành an toàn, hiệu quả, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh các nhà đầu tư trong nước.
... Đến sứ mệnh mới
Giờ đây, ở tuổi 20 đầy sức trẻ, trong tương lai không xa, thị trường chứng khoán đã đến lúc phải đảm nhận thêm một nhiệm vụ mới là xây dựng, phát triển và mở rộng khối thị trường chứng khoán phái sinh bên cạnh mảng thị trường truyền thống là cổ phiếu và trái phiếu của các doanh nghiệp đại chúng.
Để thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động suôn sẻ, hiệu quả và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, công tác xây dựng chính sách thị trường lại một lần nữa có cơ hội để trải nghiệm đi tiên phong trong việc mở đường.
Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho thị trường chứng khoán phái sinh gần như đã hoàn tất. Đi đầu là công tác xây dựng hệ thống khung pháp lý cho sự vận hành TTCK phái sinh. Hai văn bản pháp lý quan trọng nhất là Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 5/5/2015 và Thông tư hướng dẫn số 11/2016/TT-BTC ngày 19/1/2016 về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh đã được ban hành.
Bên cạnh đó, các quy định về chế độ kế toán công cụ phái sinh, chế độ thuế và các loại giá dịch vụ, quy định về công bố thông tin, giám sát, thanh tra, xử phạt trên TTCK phái sinh; một loạt các quy chế hướng dẫn về sản phẩm giao dịch và niêm yết, quy định về các loại thành viên giao dịch, thành viên bù trừ cũng như hoạt động thanh toán bù trừ và giám sát... sẽ được hoàn chỉnh trước khi thị trường chính thức vận hành.
Hệ thống hạ tầng công nghệ cho vận hành thị trường như hệ thống giao dịch, hệ thống bù trừ thanh toán và hệ thống giám sát cho TTCK phái sinh cũng đang dần được hoàn tất. Các sản phẩm giao dịch trên thị trường đã được lựa chọn gồm: hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu HNX30, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm.
Các định chế trung gian tham gia TTCK phái sinh phải đáp ứng các điều kiện về vốn, an toàn tài chính..., đảm bảo có chất lượng, hướng tới cung cấp những dịch vụ có chất lượng và uy tín tới nhà đầu tư. Công tác tuyên truyền, đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư cũng đã được phổ cập.
... Và vị thế mới
Song hành cùng với nhiệm vụ mở rộng quy mô và phát triển thị trường, công tác chính sách còn mở ra lộ trình từng bước hội nhập với các thị trường chứng khoán trong khu vực và trên thế giới, mà trước mắt là đã đến lúc thị trường chứng khoán Việt Nam phải tự nâng hạng chính bản thân để tạo một vị thế mới, nâng cao sức cạnh trạnh với các thị trường trong khu vực.
Cụ thể, TTCK Việt Nam sẽ chuyển từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market). Đây là một trong những điểm khá mở trong công tác xây dựng chính sách phát triển TTCK nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
Năm 2015, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP được Chính phủ Việt Nam ban hành với tinh thần không hạn chế sở hữu nước ngoài tại các công ty không thuộc ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và giới hạn theo pháp luật chuyên ngành, cam kết WTO; đơn giản hóa thủ tục hành chính và triển khai cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ không hạn chế cổ phần của công ty đại chúng, ngoại trừ các ngành nghề mà điều ước quốc tế (Việt Nam là thành viên) hoặc pháp luật quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép sở hữu đến 100% tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước.
Bên cạnh đó, UBCK sẽ áp dụng nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hơn nữa quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, như tiến tới thực hiện công bố thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp cũng như các chính sách pháp lý bằng tiếng Anh; tăng quy mô và tăng tính thanh khoản của thị trường như: hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán; xem xét triển khai các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai chỉ số…; xem xét quy định về bán khống chứng khoán có bảo đảm...
20 năm chưa phải là dài đối với lịch sử ra đời, hình thành và phát triển của một TTCK, nhưng đối với một thị trường mang tính đặc thù như TTCK Việt Nam, 20 năm qua là cả một sự nỗ lực chuyển mình với bao cố gắng của cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, các nhà đầu tư và các đối tác trong và ngoài nước.
Trong đó, công tác xây dựng chính sách đã tự hào để lại những dấu ấn manh tính định hình cho TTCK Việt Nam. Xây dựng chính sách để hình thành nên những lộ trình và bước đi cho thị trường phát triển nhưng ngược lại thực tế hoạt động thị trường cũng cho chính sách những cơ hội để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan để kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển tự nhiên và tất yếu của thị trường theo quy luật kinh tế.
Chặng đường phía trước còn dài và chắc chắn còn nhiều thách thức, những người làm công tác chính sách như chúng tôi vẫn không ngừng miệt mài tiến lên phía trước để tiếp tục thực hiện những vị thế mới, sứ mệnh mới của TTCK Việt Nam.