Trong suốt quá trình 20 năm hoạt động, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nỗ lực đặt nền móng cho sự vươn mình của thị trường chứng khoán Việt Nam trong khu vực và quốc tế từ những bước đi đầu tiên khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO), tích cực tham gia các sáng kiến hội nhập thị trường vốn trong khu vực, ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương với cơ quan quản lý thị trường vốn các nước trên thế giới, nỗ lực quảng bá hình ảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm thu hút cộng đồng đầu tư quốc tế…Nhờ đó, ngành chứng khoán Việt Nam đã từng bước hiện diện ngày một rõ nét và sâu đậm hơn trên bản đồ chứng khoán thế giới.
Trở thành thành viên chính thức của IOSCO
Những ngày đầu mới thành lập giai đoạn 1997-2001, để trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO), UBCK đã dành khá nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, tìm hiểu về tổ chức này đồng thời tìm hiểu những thuận lợi và những khó khăn phải đối mặt khi gia nhập với tư cách là một thị trường chứng khoán quá non trẻ.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thị trường chứng khoán ra đời, sau một quá trình tích cực thực hiện các thủ tục xin gia nhập IOSCO và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/10/2000, UBCK đã chính thức được công nhận là thành viên chính thức của IOSCO tại Hội nghị thường niên lần thứ 26 của IOSCO tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển ngày 26/6/2001.
Trở thành thành viên chính thức của IOSCO, UBCK đã có cơ hội được tham gia vào các hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước trong việc phát triển thị trường chứng khoán, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, góp phần giúp ngành chứng khoán non trẻ của Việt Nam hội nhập quốc tế.
Nỗ lực trở thành thành viên ký kết đầy đủ MMoU IOSCO
Tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, đồng thời củng cố và nâng cao hình ảnh trên trường quốc tế, UBCK đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Uỷ ban chứng khoán Tiểu vùng châu Á - Thái Bình Dương (APRC - tháng 11/2006) trong khuôn khổ của IOSCO, thu hút sự quan tâm của cộng đồng các định chế tài chính và các nhà đầu tư thế giới.
Năm 2013, UBCK đã ký kết Phụ lục A của Biên bản ghi nhớ đa phương (MMoU) với IOSCO, qua đó, giúp Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này.
Việc là thành viên chính thức từ năm 2001 và trở thành thành viên đầy đủ, ở cấp độ cao nhất của IOSCO từ năm 2013, là một thành công lớn của UBCK Việt Nam, góp phần vào việc hội nhập sâu thị trường vốn quốc tế.
Danh tiếng và mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần tăng khả năng hấp dẫn các luồng vốn đầu tư nước ngoài. Sự kiện này một mặt cho thấy các nỗ lực của UBCK trong công tác xây dựng và quản lý thị trường chứng khoán đã và đang từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế, mặt khác nâng cao uy thế và hình ảnh của UBCK nói riêng và của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung trong con mắt của bạn bè quốc tế, giới đầu tư tài chính và các tổ chức quốc tế khác, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước.
Cùng với đó, UBCK sẽ có thêm nhiều hơn những thông tin kết quả điều tra từ các cơ quan quản lý nước ngoài, vốn rất cần thiết trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thị trường tài chính.
Thắt chặt quan hệ hợp tác, tăng cường hội nhập trong khu vực và quốc tế
Từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu khi mới thành lập vào năm 1996, cho đến nay, UBCK đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động trong lĩnh vực hội nhập thị trường vốn ASEAN với tinh thần trách nhiệm cao.
Năm 2004, Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN (ACMF) đã được thành lập theo quyết định của các bộ trưởng tài chính ASEAN để thúc đẩy phát triển và hội nhập các thị trường vốn ASEAN đạt được các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Là thành viên của ACMF, vai trò của UBCK tiếp tục được thể hiện rõ nét qua những đóng góp chủ động và tích cực quá trình dự thảo, xây dựng các văn kiện, sáng kiến hội nhập ASEAN, tham gia vào quá trình đối thoại chính sách về các cơ chế luân chuyển vốn, thúc đẩy tài chính toàn diện, tự do hóa dòng vốn xuyên biên giới, coi trọng việc phát triển thị trường trái phiếu, nâng cao nhận thức của mọi người về tài chính, bảo vệ nhà đầu tư, tính bền vững hệ thống và cơ sở hạ tầng tài chính, kết nối hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán, xây dựng năng lực.
Năm 2012, để góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác và nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường vốn trong tiểu vùng, UBCK đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác đa phương (MMoU) với cơ quan quản lý các nước thuộc khu vực Mekong (Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan). Năm 2013 và năm 2016, UBCK đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị các cơ quan quản lý khu vực Mekong tại Việt Nam (MCMC).
Hội nghị MCMC thực sự trở thành diễn đàn chung cho các cơ quan quản lý thị trường vốn trong khu vực Mekong ngồi lại với nhau, cùng nhau chia sẻ và trao đổi các kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý và phát triển thị trường vốn, đưa ra các sáng kiến tiểu vùng nhằm hỗ trợ và hợp tác phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước có thị trường chứng khoán phát triển hơn trong khu vực.
Năm 2014, một trong những sự kiện có ý nghĩa trong tiến trình hội nhập quốc tế của ngành chứng khoán, đó là việc UBCK ký MoU với các cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), gọi tắt là MoU ESMA. Đây là biên bản ghi nhớ quan trọng về tư vấn, hợp tác và trao đổi thông tin trong việc giám sát các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư với các cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU và EEA.
Việc ký kết MOU này đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với các thị trường chứng khoán, tài chính khác trên thế giới, góp phần gia tăng khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư có tổ chức từ các nước châu Âu, đồng thời tăng cường khả năng phối hợp quản lý giám sát dòng vốn và nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, UBCK cũng tham gia ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với một số UBCK/cơ quan giám sát tài chính các quốc gia và các vùng lãnh thổ. Hiện nay, tổng số các MoU song phương mà UBCK đã tham gia ký kết là 30.
Thúc đẩy quảng bá thị trường, thu hút nhà đầu tư quốc tế
Năm 2014 và 2015, UBCK đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện thành công chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 2 hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư tiềm năng và giàu kinh nghiệm của Nhật Bản, Hoa Kỳ và quốc tế, tạo ra kênh thông tin chính thức quảng bá về thị trường vốn Việt Nam. Cả hai kỳ hội nghị đều có sự tham gia của các tập đoàn nhà nước lớn của Việt Nam như SCIC, Vinacomin, BIDV, Vinatex... cũng như các quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam được gặp gỡ trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng từ Nhật Bản và Hoa Kỳ, đồng thời là kênh đối thoại trực tiếp, lâu dài trong tương lai với mục tiêu cuối cùng là thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đầu tư thương mại của hai nước, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, cũng như đưa sự hợp tác song phương với Nhật Bản và Hoa Kỳ lên tầm cao mới, vì lợi ích chung của hai bên.
Nỗ lực nâng hạng thị trường
Kể từ 2014, UBCK bắt đầu chú trọng vào việc nghiên cứu, xây dựng chương trình, giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên bảng phân hạng MSCI (từ hạng frontier market – thị trường cận biên lên emerging market – thị trường mới nổi).
UBCK đã chủ động nghiên cứu xây dựng chỉ số phân ngành chung cho thị trường chứng khoán Việt Nam, thực hiện các nhóm giải pháp trong nâng hạng thị trường, góp phần đưa quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam nhanh chóng có thể nằm trong nhóm các thị trường mới nổi.
Đây là nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện và phát triển thị trường, thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao hình ảnh và vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Hòa chung với tiến trình đổi mới của đất nước, những nền tảng mà UBCK đã tạo dựng được trong hai thập kỷ qua là xung lực quan trọng để chúng ta tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền kinh tế Việt Nam vững mạnh và phồn vinh. Với tư cách là thành viên đầy đủ, ở cấp độ thành viên cao nhất của IOSCO, UBCK sẽ không ngừng nỗ lực để ngành chứng khoán Việt Nam xứng đáng với vị thế cũng như trách nhiệm mới trên bản đồ thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đối với quá trình hội nhập thị trường vốn khu vực ASEAN, UBCK tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm hài hòa hóa các quy định trong nước theo hướng phù hợp với các chuẩn mực khu vực và quốc tế, nhằm tham gia vào các sáng kiến kết nối và các liên kết cơ sở hạ tầng thị trường vốn khu vực ASEAN, cũng như các khuôn khổ quản lý thị trường chung của khu vực.
Song song với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, UBCK sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình hợp tác song phương với các đối tác truyền thống, đồng thời tăng cường tìm kiếm và mở rộng các quan hệ hợp tác với các đối tác mới để học tập kinh nghiệm, hỗ trợ cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện cấu trúc thị trường và nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan quản lý và các tổ chức vận hành thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát và phát triển thị trường chứng khoán.
Tin rằng, với các hoạt động được triển khai trên diện rộng và khai thác theo chiều sâu như vậy, công tác hội nhập quốc tế của UBCK và của ngành sẽ thành công trong việc hỗ trợ thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững và hướng thị trường chứng khoán Việt Nam theo kịp với các chuẩn mực quốc tế, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.