18 năm, chứng khoán Việt phát triển vững về chất

(ĐTCK) TTCK Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2000, thị trường đã có sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng hoàn thiện về cấu trúc, mở rộng về quy mô, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng trong nền kinh tế. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhân dịp TTCK tròn 18 năm hoạt động. 
TTCK Việt Nam ngày khai mở 20/7/2000 TTCK Việt Nam ngày khai mở 20/7/2000

Theo ông, sang tuổi 18, TTCK đạt được những kết quả nổi bật nào?

Sau 18 năm, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về quy mô, TTCK đã có sự phát triển vượt bậc. Quy mô huy động vốn qua TTCK đã đạt 2,16 triệu tỷ đồng, trong đó Chính phủ đã huy động được 1,59 triệu tỷ đồng, doanh nghiệp đã huy động được 570.000 tỷ đồng thông qua đấu giá cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Đến cuối tháng 6/2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,889 triệu tỷ đồng, tương đương 77,7% GDP.

Thanh khoản của thị trường tiếp tục duy trì tăng cao. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ lực cung và tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu lần lượt đạt hơn 8.000 tỷ đồng/phiên và 10.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 60% và 19% so với bình quân cả năm 2017.

18 năm, chứng khoán Việt phát triển vững về chất ảnh 1

  Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Về công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, hoạt động này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tạo hàng cho TTCK. Đến nay đã có 978 doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn và cổ phần hóa. Tổng số cổ phần chào bán đạt 12,079 tỷ cổ phần, trong đó tổng số cổ phần bán được hơn 7,352 tỷ cổ phần, tỷ lệ thành công đạt 61% với tổng giá trị thực tế thu được hơn 288.000 tỷ đồng.

Về thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong 18 năm qua, TTCK Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng, khi đến ngày 31/6/2018 đạt 2,07 triệu tài khoản, tăng 7,6% so với cuối năm 2017, trong đó số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 17%. Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng, khi đến cuối tháng 6/2018, vốn ngoại đã vào ròng 2,1 tỷ USD.

Cấu trúc của thị trường ngày càng được hoàn thiện theo hướng bao gồm đầy đủ các loại thị trường, trong đó sự phát triển của TTCK phái sinh mang lại công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Chất lượng hàng hóa trên TTCK không ngừng được cải thiện nhờ việc tăng cường, củng cố các điều kiện niêm yết, minh bạch thông tin, quản trị công ty.

Về các tổ chức trung gian trên TTCK, quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán ngày càng được đẩy mạnh. Các tổ chức này được tái cấu trúc theo hướng nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động. Sau 5 năm triển khai đề án tái cấu trúc kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm”, đến nay đã xử lý được 28 CTCK thông qua việc chấm dứt hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể và hợp nhất, rút nghiệp vụ môi giới. Hiện trên TTCK còn 77 công ty chứng khoán (CTCK) hoạt động bình thường, 45 công ty quản lý và 39 quỹ đang hoạt động.

Về công tác thanh tra, giám sát, UBCK luôn chú trọng đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật về chứng khoán đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan như cơ quan thuế, cơ quan công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm.

Các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm minh, kịp thời và được công bố công khai theo quy định. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bao gồm cả xử lý hình sự đối với trường hợp giả mạo hồ sơ, xử lý các công ty kiểm toán, hành vi thao túng... đã tạo sức răn đe và củng cố niềm tin đối với TTCK.

 Trong dấu mốc 20 năm của ngành chứng khoán, TTCK Việt Nam được đánh giá là kênh đầu tư sôi động và kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường phát triển, UBCK đang nghiên cứu, triển khai những sản phẩm mới. Thời gian tới, UBCK sẽ trình Bộ Tài chính phê chuẩn để đưa vào giao dịch Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) nhằm đa dạng hóa sản phẩm giao dịch và thu hút thêm đối tượng tham gia thị trường là các ngân hàng thương mại.

Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất và dự kiến sẽ đưa vào giao dịch trong năm 2018. Công tác chuẩn cho việc triển khai chứng quyền có bảo đảm đã sẵn sàng cho ngày vận hành, hiện chờ Chính phủ phê duyệt ngày chính thức ra mắt sản phẩm.

Ông nhìn nhận gì về một mảng thị trường mới là chứng khoán phái sinh sau một năm hoạt động?

TTCK phái sinh chính thức đi vào hoạt động ngày 10/8/2017, đến nay đã gần được một năm. Thị trường đã vận hành suôn sẻ, tăng trưởng mạnh trên tất cả các chỉ tiêu về khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch, khối lượng hợp đồng mở (Open Interest - OI) và số lượng tài khoản của nhà đầu tư.

Đến ngày 3/7/2018, khối lượng OI đạt 13.613 hợp đồng, tăng 68,5% so với cuối năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng giao dịch trung bình đạt 41.522 hợp đồng/phiên, tăng 3,8 lần so với khối lượng giao dịch trung bình của 5 tháng cuối năm 2017.

Tổng giá trị giao dịch tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đã gấp 9,6 lần tổng giá trị giao dịch trên thị trường UPCoM và bằng khoảng 55% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường cổ phiếu niêm yết.

Kết quả hoạt động bước đầu của TTCK phái sinh được đánh giá là thành công và đạt được một số mục tiêu đề ra như: góp phần đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên TTCK, tạo ra một công cụ giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro biến động giá cổ phiếu; thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các nhà đầu tư, cho phép nhà đầu tư kinh doanh ngay cả trong bối cảnh thị trường cơ sở đảo chiều.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TTCK phái sinh vẫn còn một số điểm hạn chế như cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 98% tổng khối lượng giao dịch); mục đích sử dụng chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro chưa rõ ràng khi mà giao dịch đầu cơ ngắn hạn là chủ yếu (khối lượng giao dịch tập trung chủ yếu vào hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có kỳ hạn ngắn); thông tư về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh chưa được ban hành.

UBCK đang nghiên cứu, triển khai một số giải pháp nhằm phát triển TTCK phái sinh, trong đó xây dựng cơ chế giá, thuế áp dụng cho các giao dịch trên TTCK phái sinh theo hướng phù hợp với từng cấp độ phát triển thị trường.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng văn bản hướng dẫn và cho phép tổ chức giao dịch các sản phẩm khác như hợp đồng tương lai TPCP, quyền chọn chỉ số, quyền chọn hợp đồng tương lai... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng triển khai các công cụ tài chính phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa.

Theo ông, đâu là những thách thức mà TTCK đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những tác động đa chiều đến thị trường tài chính Việt Nam?

Cách mạng công nghiệp 4.0 còn mới với Việt Nam. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính nói chung, ngành chứng khoán nói riêng được đánh giá sẽ chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, từ chính sách điều hành, công tác quản lý đến hỗ trợ dịch vụ công và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, các thành viên tham gia thị trường đã chủ động triển khai áp dụng công nghệ để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng, xây dựng mô hình quản lý mới, xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin cho nhau một cách gắn kết, minh bạch và nâng cao vai trò của các môi giới giỏi.

Để vượt qua thách thức, UBCK đang chỉ đạo hai Sở GDCK khẩn trương triển khai các gói thầu công nghệ, đồng bộ hóa dữ liệu, thực hiện kết nối đồng bộ với các thành viên thị trường.

UBCK đang triển khai những giải pháp gì để nâng tầm phát triển của TTCK sau tuổi 18, thưa ông?

Chúng tôi triển khai một số giải pháp trọng tâm sau.

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý: triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 12/2018), trình Quốc hội thông qua vào năm 2019.

Sửa Luật Chứng khoán theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin; tạo cơ chế xử lý CTCK hoạt động kém hiệu quả và thúc đẩy tổ chức kinh doanh chứng khoán phát triển; bổ sung cơ chế bảo vệ nhà đầu tư; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện khuân khổ pháp lý, điều hành TTCK, hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm bảo đảm an toàn cho TTCK.

Thứ hai, đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa.

Đối với thị trường cổ phiếu, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn nghiệp vụ chào bán, phát hành theo phương pháp dựng sổ (book building).

Tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết. Giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty.

Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), đẩy mạnh sự phát triển của thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu, phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên thị trường TPCP sơ cấp.

Đối với thị trường trái phiếu doanh  nghiệp (TPDN), phát triển thị trường theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, nghiên cứu triển khai mô hình, cơ chế và hạ tầng công nghệ, kỹ thuật cho thị trường TPDN, đặc biệt là Trung tâm thông tin về TPDN.

Đối với TTCK phái sinh và các sản phẩm mới, hoàn chỉnh cơ chế giá, thuế áp dụng cho các giao dịch trên TTCK phái sinh theo hướng phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường. Xây dựng văn bản hướng dẫn và cho phép tổ chức giao dịch các sản phẩm khác như hợp đồng tương lai trên chỉ số khác ngoài VN30, quyền chọn chỉ số, quyền chọn hợp đồng tương lai... Đưa sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai TPCP vào giao dịch trong năm 2018.

Thứ ba, tiếp tục triển khai tái cấu trúc các CTCK và công ty quản lý quỹ. Theo đó, các CTCK, công ty quản lý quỹ được tiến hành phân loại theo chất lượng tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ.

Thứ tư, đối với công tác tái cấu trúc tổ chức TTCK, trọng tâm sẽ là thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở hợp nhất hai Sở GDCK Hà Nội và TP.HCM; phát triển, phân định các khu vực thị trường, gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh để nâng cao vị thế của Sở GDCK Việt Nam trong khu vực ASEAN.

Triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, toàn diện cho thị trường tại các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát thị trường tại UBCK. Nghiên cứu áp dụng mô hình thanh toán CCP cho cả các giao dịch trên thị trường cơ sở như các nước trên thế giới, giúp thiết lập cơ chế phòng ngừa rủi ro đầy đủ và đồng bộ.

Thứ năm, liên quan đến các giải pháp nhằm tăng cường tính minh bạch của TTCK, UBCK đang tích cực hoàn thiện các quy định về công bố thông tin như rà soát bổ sung đối tượng có trách nhiệm công khai thông tin; bổ sung nghĩa vụ công bố thông tin bất thường của công ty đại chúng, nguyên tắc áp dụng báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế, vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh; giám sát chất lượng của các công ty kiểm toán khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng; chất lượng hồ sơ tư vấn phát hành, niêm yết của CTCK.

Việc áp dụng quy chế quản trị công ty theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP sẽ giúp nâng cao trách nhiệm, nhận thức của công ty đại chúng, trước hết là cho lãnh đạo doanh nghiệp về tuân thủ yêu cầu minh bạch công bố thông tin, về vai trò và các nguyên tắc quản trị công ty, làm cơ sở cho quá trình thực hành, tuân thủ, áp dụng quản trị công ty theo thông lệ tốt, cải thiện quan hệ nhà đầu tư.

Đồng thời, UBCK tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của Hệ thống giám sát thị trường (MSS), hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và giám sát TTCK, thực hiện nâng cấp hệ thống để đáp ứng được yêu cầu phát triển của TTCK.

Ngoài ra, để phát triển TTCK bền vững, UBCK đang tập trung phát triển cơ sở nhà đầu tư, thu hút vốn đầu nước ngoài và nâng hạng TTCK Việt Nam. Việc tăng cường phát triển cơ sở các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ đi đối với duy trì, giữ mối quan hệ chặt chẽ, tổ chức đối thoại thường xuyên, định kỳ với thành viên thị trường, đặc biệt là các quỹ đầu tư, các ngân hàng lưu ký.

UBCK tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào TTCK Việt Nam như các vấn đề liên quan đến việc mở và vận hành tài khoản tiền phục vụ giao dịch chứng khoán, các quy định hạn chế việc tham gia các sản phẩm phái sinh tiền tệ với nhà đầu tư nước ngoài.

UBCK cũng tích cực triển khai các công việc nhằm thúc đẩy nâng hạng TTCK Việt Nam thông qua việc tiếp tục trao đổi, thiết lập quan hệ thường xuyên với MSCI, giải thích, cập nhật thông tin, giúp MSCI đánh giá xác thực hơn về TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, chủ động và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến nâng hạng TTCK nhằm xây dựng được hình ảnh về TTCK Việt Nam minh bạch và phát triển bền vững.

Ngoài ra, UBCK tăng cường phối hợp giữa các đơn vị của UBCK và hai Sở GDCK trong giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián..., tổ chức triển khai áp dụng 4 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán theo quy định của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018. Tiếp tục đào tạo và tăng cường năng lực cho công tác giám sát, tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật cho các bên liên quan.

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục