17 tỷ điếu thuốc lá lậu
Ngành công nghiệp thuốc lá hiện đóng góp hơn 18.000 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm cho ngân sách nhà nước, nhưng Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế xem là một trong những thị trường tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất ở châu Á.
Số liệu khảo sát năm 2012 của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế và Tổ chức Oxford Economics đã cho thấy, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á được khảo sát.
Theo tính toán của VTA, năm 2013, tổng số thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam là 104,8 tỷ điếu, trong số này ước có tới 17 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu. Dĩ nhiên, số thuốc lá lậu này cũng gây thất thu nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước, với con số khoảng 6.500 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến không ít tốn kém về công sức và thời gian của rất nhiều lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của thuốc lá lậu tại nhiều địa phương.
Thuế liên tục tăng với thuốc lá hợp pháp
Đối lập với thuốc lá lậu vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự xâm nhập theo chiều hướng gia tăng trong thời gian qua là một môi trường pháp lý nghiêm ngặt dành các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, được cấp phép theo các quy định hiện hành của pháp luật. Thậm chí, các quy định đang áp dụng với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam hiện còn vượt trên các khuyến nghị chính sách của Công ước Khung kiểm soát thuốc lá toàn cầu. Cụ thể, như in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50%, đóng góp vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (từ ngày 1/5/2013 là 1% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), sẽ tăng lên 1,5% vào tháng 5/2016 và lên 2% vào tháng 5/2019), cấm quảng cáo và khuyến mãi dưới mọi hình thức và yêu cầu cấp phép toàn diện (bao gồm cả bán lẻ).
Các số liệu quan sát và thống kê của VTA cũng cho thấy, việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá điếu liên tiếp thời gian qua, cụ thể là từ tháng 1/2006 lên mức 55%, so với 45% của năm 2005 và sau đó tiếp tục tăng lên 65% vào năm 2008 cũng tạo ra cơ hội bất ngờ để thuốc lá lậu tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2006-2012, với mức tăng 50% (tương đương 6 tỷ điếu).
Bởi vậy, đề xuất tiếp tục tăng thuế TTĐB với thuốc lá điếu như dự thảo của Bộ Tài chính mới đây cũng khiến nhiều người e ngại về việc tạo tiếp cơ hội để thuốc lá lậu tiếp tục hoành hành là điều dễ hiểu. Nhất là khi sản xuất thuốc lá hợp pháp đang đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, cũng như phần nào giúp các lực lượng chức năng quản lý và kiểm soát hữu hiệu việc tiêu thụ thuốc lá trên thị trường.
Thực tế cũng đã minh chứng rõ ràng rằng, mỗi khi thuế đánh vào thuốc lá điếu trong nước tăng lên, thì các khu vực buôn lậu thuốc lá ở các tỉnh Tây Nam, Quảng Ninh hay khu vực miền Trung giáp với các nước xung quanh lại trở nên nhộn nhịp.
Nguyên do cũng không có gì khác, bởi giá thuốc lá sản xuất chính thức tăng do gánh thêm thuế, trong khi việc kiểm soát thuốc lá nhập lậu tại các khu vực này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Cũng không thể phủ nhận một thực tế là, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam vẫn không nhỏ, dù đã có hàng loạt các biện pháp được tuyên truyền nhằm nêu rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của người dân và cộng đồng. Không khó để nhận thấy rằng, khi dễ tiếp cận nguồn cung thuốc lá lậu với giá rẻ hơn thuốc lá hợp pháp (đang phải chịu giá cao) chắc chắn người tiêu dùng có nhu cầu sẽ không thờ ơ, bởi vừa thoả mãn được nhu cầu, vừa tiết kiệm được chi phí của bản thân trong điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn.
Hệ quả có thể dễ nhìn thấy là sản xuất của ngành công nghiệp thuốc lá hợp pháp sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, người lao động (bao gồm cả công nhân và nông dân trồng thuốc lá nhiên liệu) sẽ bị giảm công ăn việc làm, trong khi thị trường khó kiểm soát được các sản phẩm nhập lậu vốn không rõ ràng về chất lượng.
Theo VTA, việc tăng thuế TTĐB trong điều kiện buôn lậu thuốc lá như hiện nay thì nguồn thu ngân sách nhà nước chưa chắc đã tăng, trong khi sản xuất trong nước dễ nhìn thấy khả năng thu hẹp. Kiến nghị chính thức với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu trách, VTA cũng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là phải chống buôn lậu trước, bởi việc kiểm soát thuốc lá nhập lậu sẽ giúp duy trì và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường thuốc lá. Đặc biệt, cần có một lộ trình tăng thuế hợp ly, một khi đã kiểm soát được thuốc lá nhập lậu trên phạm vi toàn quốc.