14 công ty phải ký lại báo cáo kiểm toán
Đầu tháng 5/2017, UBCK đã có công văn thông báo gửi tới 14 công ty, bao gồm 9 công ty niêm yết và 5 công ty chứng khoán về việc báo cáo tài chính kiểm toán ký bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long - T.D.K (Thăng Long T.D.K) là không hợp lệ.
Lý do của việc này là ngày 11/10/2016, UBCK đã ban hành Quyết định số 1087/QĐ-UBCK về việc đình chỉ tư cách tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.
Theo đó, UBCK yêu cầu, báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, công ty đại chúng nói chung phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán được chấp thuận, thay thế cho báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Thăng Long T.D.K đã ban hành.
Thế khó của Doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán vô hiệu
Theo quy định hiện hành, báo cáo tài chính năm của công ty niêm yết, công ty chứng khoán phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp có lợi ích đại chúng. Vì vậy, 14 doanh nghiệp nói trên sẽ phải thực hiện lựa chọn công ty kiểm toán thay thế và ký hợp đồng kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2016.
Tuy nhiên, thời điểm UBCK ra công văn thông báo là đầu tháng 5/2017, tức 5 tháng sau khi năm tài chính 2016 kết thúc. Trong khi đó, tháng 5 là lúc các công ty kiểm toán chuẩn bị bước vào làm báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2017. Lựa chọn một công ty kiểm toán mới lúc này là điều không dễ dàng, nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị từ trước đó.
Điểm e ngại nhất khi làm lại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 với công ty kiểm toán khác chính là việc khoảng thời gian đã cách xa ngày 31/12/2016, thời điểm các kiểm toán viên làm thủ tục kiểm kê với hàng tồn kho, số dư tiền mặt…
Với những công ty có số dư hàng tồn kho hoặc số dư tiền tại quỹ nhỏ, việc này có thể sẽ không quá phức tạp. Nhưng với các trường hợp có số dư hàng tồn kho lớn, nằm rải rác khắp các địa bàn với nhiều công ty con, chi nhánh…, làm cách nào để đơn vị kiểm toán mới xác minh tính chính xác của số liệu là điều không dễ dàng.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, trong điều kiện bình thường, kiểm toán sẽ phải có mặt để kiểm kê hàng hóa tồn kho tại ngày 31/12/2016, nhưng với các trường hợp này, phía kiểm toán có thể lựa chọn các thủ tục thay thế để xác minh tính chính xác của các số liệu tại ngày 31/12/2016.
“Có một cách kiểm toán có thể sử dụng là vào kiểm toán tại thời điểm hiện nay, sau đó làm các phép trừ lùi để xác minh tính chính xác của dữ liệu tại ngày 31/12/2016. Nếu con số khớp hoặc chênh lệch không quá lớn thì không vấn đề gì, nhưng nếu chẳng may xảy ra chênh lệch số liệu lớn, thì khi đó sẽ phức tạp hơn”, vị này nói.
Vấn đề này sở dĩ được các doanh nghiệp quan tâm, bởi nếu công ty kiểm toán có mặt tại ngày 31/12/2016, việc kiểm toán sẽ dễ dàng hơn. Trường hợp phát sinh các yếu tố không thể lường trước dẫn đến việc báo cáo tài chính kiểm toán bị ngoại trừ, những hệ lụy liên quan đến hồ sơ phát hành, điều kiện niêm yết… có thể sẽ xảy ra với doanh nghiệp. Đó là điều có lẽ không doanh nghiệp nào muốn.
Để kiểm toán lại, phải bắt đầu từ đâu?
Có 2 vấn đề lớn với các công ty phải làm lại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 trong câu chuyện về việc đình chỉ Thăng Long T.D.K.
Thứ nhất, hội đồng quản trị doanh nghiệp có quyền lựa chọn công ty kiểm toán khác không?
Rà soát tài liệu, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông các doanh nghiệp, thì những doanh nghiệp có dữ liệu thống kê (xem bảng) đa số đều ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn công ty kiểm toán bất kỳ, hoặc một trong số một vài công ty kiểm toán có tên. Với những trường hợp ủy quyền toàn bộ cho Hội đồng quản trị, tính chủ động của Ban lãnh đạo doanh nghiệp trong tìm kiếm một công ty kiểm toán khác sẽ khá đơn giản.
14 doanh nghiệp phải lựa chọn công ty kiểm toán thay thế và ký hợp đồng kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2016 có thể gặp khó khăn vì sắp bước vào mùa kiểm toán bán niên 2017
Với trường hợp chỉ chọn 1 trong số 3 hoặc 4 công ty kiểm toán có tên, Hội đồng quản trị sẽ phải đạt được thỏa thuận với một trong số các công ty này, nếu không, phải xin Đại hội đồng cổ đông thông qua việc lựa chọn công ty kiểm toán khác.
Trong số các công ty niêm yết nói trên, duy nhất trường hợp Công ty cổ phần Nafoods Group, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 ghi rõ, lựa chọn Thăng Long T.D.K và “Trong trường hợp không thống nhất được với công ty kiểm toán nêu trên về tiến độ và mức phí kiểm toán, Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn trong số công ty kiểm toán còn lại trong danh sách công ty kiểm toán độc lập được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 2016”.
Trường hợp này, câu hỏi đặt ra là, Nafoods đạt được thỏa thuận với Thăng Long T.D.K, nhưng không được chấp thuận, thì có được “du di” ủy quyền cho Hội đồng quản trị, hay vẫn phải xin lại?
Vấn đề thứ hai là báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016. Luật hiện hành quy định, báo cáo tài chính kiểm toán phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Nhiều doanh nghiệp có tên trong danh sách nói trên đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông.
Vậy những trường hợp này có phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thêm một lần nữa để thông qua báo cáo tài chính kiểm toán mới hay không? Nếu cần thiết phải thông qua Đại hội đồng cổ đông, thì có thể có ngoại lệ cho các doanh nghiệp có báo cáo tài chính kiểm toán mới không có hoặc có sự khác biệt không quá lớn với báo cáo tài chính kiểm toán cũ?