14 công ty chứng khoán đóng cửa, còn bao nhiêu công ty nữa sẽ biến mất?

(ĐTCK) Ngày 10/1/2012, Bộ Tài chính ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án có thể thấy chất lượng hoạt động của khối CTCK thời gian qua đang có sự cải thiện rõ nét. 
Với 88 công ty, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn "chật chội" Với 88 công ty, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn "chật chội"

Hệ thống các CTCK đã được cơ cấu lại theo hướng thu hẹp số lượng, thanh lọc những công ty yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Số lượng CTCK thành viên của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã giảm từ 102 công ty xuống còn 88 công ty. Đây là kết quả đáng ghi nhận của quá trình tái cấu trúc. Hiệu quả hoạt động của các CTCK hiện tại đã được nâng cao qua việc tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro và kiểm soát an toàn tài chính theo quy định. 

Song hành tích cực trong công cuộc tái cấu trúc các CTCK thành viên, trong năm 2014, HOSE đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý thành công vụ hợp nhất thứ hai trên TTCK giữa CTCP Chứng khoán Đại Tây Dương và CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, sau vụ hợp nhất đầu tiên giữa CTCK MB (MBS) và CTCK VIT diễn ra vào tháng 12/2013.

Đối với những CTCK đang có kế hoạch tái cấu trúc, Sở đã tích cực hướng dẫn về hồ sơ và thủ tục để hỗ trợ công ty thực hiện hợp nhất, sáp nhập một cách an toàn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cũng như không làm xáo trộn hoạt động kinh doanh và giao dịch của công ty.

Với quyết tâm tái cơ cấu của cơ quan quản lý bằng việc đưa ra các quy định pháp lý ngày càng khắt khe, chặt chẽ và xử lý mạnh tay các trường hợp không đáp ứng, cộng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, trong thời gian tới, quá trình tái cơ cấu các CTCK, tái cấu trúc thị trường sẽ diễn ra nhanh hơn. Khối CTCK sẽ phát triển ổn định, năng lực tài chính vững mạnh, quản trị rủi ro an toàn, nguồn nhân lực chuyên nghiệp và hệ thống cơ sở vật chất tốt, đáp ứng yêu cầu và là chỗ dựa niềm tin cho nhà đầu tư.

Giai đoạn 2005 - 2006 và đầu năm 2007, khi TTCK Việt Nam phát triển mạnh, tốc độ cổ phần hóa được đẩy nhanh, thì CTCK cũng phát triển mạnh với số lượng gia tăng ồ ạt (105 công ty thời điểm 2009). Hầu hết CTCK đều kinh doanh có lãi với nghiệp vụ đa dạng, quy mô và nguồn nhân lực phát triển mạnh… Tuy nhiên, những năm sau, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, TTCK đã gặp nhiều khó khăn và sụt giảm liên tục. Hoạt động của khối các CTCK bộc lộ nhiều yếu kém và rủi ro: kinh doanh thua lỗ, năng lực tài chính yếu, cạnh tranh không lành mạnh… và con số hơn 100 CTCK giai đoạn 2008 - 2011 là quá nhiều so với một thị trường có quy mô nhỏ như Việt Nam. Một phần không nhỏ CTCK hoạt động nhỏ lẻ mang tính tức thời cho thấy sự phát triển thiếu chuyên nghiệp và không có định hướng dài hạn. Do đó, giảm số lượng và nâng cao yêu cầu về chất lượng hoạt động đối với CTCK là điều cần thiết phải thực hiện.

P.V

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ