Cụ thể, đến nay, 12.876 thuyền viên đã được bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm là 898 tỷ đồng; 1,.057 tàu được bảo hiểm với tổng giá trị được bảo hiểm là 752 tỷ đồng.
Đây là kết quả của việc triển khai bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ Quốc.
Cục này cũng cho biết, việc triển khai bảo hiểm thủy sản theo NĐ 67 đã được thực hiện tại 17/28 tỉnh.
4 doanh nghiệp bảo hiểm được giao triển khai sản phẩm bảo hiểm này là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và Bảo hiểm PVI. Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt được giao đứng đầu hợp đồng bảo hiểm thủy sản (thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, thuyền viên khai thác hải sản) tại 10 địa phương, Bảo Minh và PJICO triển khai bảo hiểm tại 7 địa phương, Bảo hiểm PVI triển khai tại 4 địa phương trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có đội ngũ tàu thuyền khai thác hải sản. Đây được xem là cơ sở để triển khai mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu về bảo hiểm của ngư dân khai thác hải sản, với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên với các mức như sau: 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV, 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. |