124 doanh nghiệp đã được bình chọn đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sáng nay 17/11, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo giới thiệu và cung cấp thông tin về Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 7 năm 2020.

124 doanh nghiệp đã được bình chọn đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Tại cuộc họp báo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết năm nay có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2020.

Chương trình là động lực cho các doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa dịch vụ, cũng như phát triển thị trường nội địa.

Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, kỳ xét chọn Thương hiệu Quốc gia lần thứ 7 năm 2020 vẫn thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp trên cả nước.

So với năm 2018, điểm nhấn trong chương trình năm nay là cả nước đã có thêm 27 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Đây chính là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa dịch vụ, cũng như phát triển thị trường nội địa.

Đặc biệt, chương trình năm nay đã thu hút được một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như CTCP Tập đoàn Hòa Phát; Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam (Gelex), Tập đoàn BRG…

Bên cạnh đó, những sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm… của các doanh nghiệp tham gia năm nay đã làm nên sự đa dạng cho chương trình, càng chứng tỏ hơn nhận thức của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực về tầm quan trọng của thương hiệu đã được nâng cao.

Điểm đáng chú ý của kỳ bình chọn Thương hiệu Quốc gia năm 2020 là các hồ sơ đăng ký xét chọn được đánh giá, thẩm định theo các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22/11/2019 của Bộ Công Thương.

Đồng thời, tình hình bảo hộ sở hữu trí tuệ và chấp hành về mặt pháp luật của các doanh nghiệp tham gia Chương trình cũng được xác nhận thông qua các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Bên cạnh đó còn có sự tham gia thẩm định tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp từ các hãng kiểm toán lớn như KPMG nhằm đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn bình chọn.

Phát biểu tại buổi họp, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam khẳng định: Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam thể hiện rõ Quyết tâm điều hành hiệu quả, các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp; khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thông qua Chương trình cũng khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế, qua đó quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam là một quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế cũng như ngay tại Việt Nam.

“Chúng tôi xin khẳng định lại Thương hiệu Quốc gia Việt Nam hàng năm không phải là một Giải thưởng. Đây là một chương trình lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, là khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành các đối tác lớn trong quá trình hợp tác.

Nhà nước sẽ không làm thay cho doanh nghiệp, nhưng đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín, nhằm giúp cho các doanh nghiệp tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới. Nói một cách rất ngắn gọn, Nhà nước cùng với doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có thương hiệu phát triển, người ta biết đến thương hiệu của doanh nghiệp thì cũng biết đến thương hiệu quốc gia Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, chương trình đã tăng cường sự nhận biết đối với sản phẩm mang thương hiệu, tạo sự tin cậy ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.

Chương trình có sự đồng hành, chung tay tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt là những doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nói riêng. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt hình thành các chuỗi liên kết giá trị tạo dựng vị thế cho thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020.

Trải qua 17 năm hoạt động, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu, trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.

Chương trình góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường thông qua 3 tiêu chí sản phẩm chất lượng; đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục