10 vụ xử phạt lớn trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2014

(ĐTCK) Trong năm 2014, UBCK tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý vi phạm trên TTCK. Theo đó, số vụ vi phạm bị UBCK xử phạt tăng cả về quy mô và số lượng. 
UBCK đã ra tổng cộng 124 quyết định xử phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán UBCK đã ra tổng cộng 124 quyết định xử phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

Thống kê của ĐTCK cho thấy, trong năm 2014, UBCK đã ra tổng cộng 124 quyết định xử phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đối với 32 cá nhân và 192 tổ chức. Tổng số tiền phạt trên 10,4 tỷ đồng. Cùng ĐTCK điểm lại 10 vụ xử phạt lớn nhất của UBCK trong năm qua. 

1. Mặc dù các vụ vi phạm phần lớn xuất phát từ các tổ chức, tuy nhiên, mức phạt cao nhất lại dành cho một cá nhân, đó là ông Nguyễn Khắc Ngọc. Ông Ngọc đã có hành vi thao túng, làm giá chứng khoán, với tổng số tiền phạt lên tới gần 606 triệu đồng. Cụ thể, trong thời gian từ ngày 2/5/2013 đến ngày 6/9/2013, ông Ngọc đã liên tục thực hiện các giao dịch mua, bán cổ phiếu HHS, với mục đích tạo thanh khoản giả tạo, thao túng giá cổ phiếu HHS, vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 9, Luật Chứng khoán ngày 29/6/2006.

2. Về phía các tổ chức, CTCK bị phạt nặng nhất là CTCK Đệ Nhất (FSC) với số tiền phạt là 550 triệu đồng. Cụ thể, FSC bị phạt 175 triệu đồng do trực tiếp nhận và chi trả tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng; bị phạt 125 triệu đồng do cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định; bị phạt 250 triệu đồng do cung cấp dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tài chính khi chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

3. Trước FSC, CTCK Châu Á -Thái Bình Dương (APEC) đã bị UBCK ra quyết định phạt 425 triệu đồng, gồm 150 triệu đồng vì chưa xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng; 125 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán và 150 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế cho vay. 

4.  Cũng trong tháng 9, UBCK ra quyết định xử phạt 210 triệu đồng đối với CTCK Đại Dương (OCS), bao gồm 125 triệu đồng vì chưa tuân thủ đúng quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán và 85 triệu đồng do chưa tuân thủ đúng quy định về việc thực hiện lệnh giao dịch. 

5. Ngày 18/7/2014, CTCK VNDirect (VNDS) nhận án phạt lên tới 215 triệu đồng, bao gồm 60 triệu đồng do bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; 85 triệu đồng do không giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích trong nội bộ Công ty và 70 triệu đồng do thực hiện đầu tư không đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, ông Nguyễn Sỹ Bình, nhân viên môi giới của VNDS cũng bị phạt số tiền là 85 triệu đồng, do cho mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng. 

6. Đối với khối công ty quản lý quỹ, CTCP Quản lý quỹ Bông Sen (LotusIMC) là tổ chức chịu mức phạt cao nhất là 380 triệu đồng, bao gồm 175 triệu đồng do giao vốn của Công ty cho tổ chức khác trái quy định pháp luật; 85 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm soát nội bộ theo quy định; 60 triệu đồng do không tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán, Luật DN và các quy định khác về quản trị công ty và 60 triệu đồng do báo cáo không đầy đủ về danh mục đầu tư của NĐT ủy thác, về các lần sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty. 

7. Chịu mức phạt cao thứ 2 trong khối   công ty quản lý quỹ là CTCP Quản lý quỹ Quốc tế (IFMC) với số tiền phạt là 255 triệu đồng, trong đó phạt 50 triệu đồng vì không ban hành đầy đủ quy trình nghiệp vụ; 85 triệu đồng vì không thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ theo quy định; 60 triệu đồng vì bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; và 60 triệu đồng vì báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định. Hiện IFMC gần như ngừng hoạt động. 

8. CTCP Quản lý quỹ Đối tác Toàn Cầu (GPA) cũng bị phạt nặng trong năm 2014, với tổng cộng 227,5 triệu đồng cho các hành vi vi phạm: không thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ theo quy định (70 triệu đồng), công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định (60 triệu đồng); báo cáo không đầy đủ khi tỷ lệ vốn khả dụng dưới mức 180% (50 triệu đồng); không bố trí đủ người hành nghề chứng khoán cho từng nghiệp vụ kinh doanh theo quy định (40 triệu đồng); và không tuân thủ các quy định về quản trị công ty theo quy định của pháp luật (7,5 triệu đồng). 

9.  Về phía các công ty niêm yết, doanh nghiệp chịu mức phạt cao nhất năm 2014 là CTCP Dược Cửu Long (DCL) với mức phạt là 100 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định pháp luật. 

10. Cũng trong khối doanh nghiệp  niêm yết, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) phải chịu mức phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định về công bố thông tin giao dịch cổ phiếu.    

Trí Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục