Đầu tiên, đó là việc đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Y tế.
Kiến tạo thể chế, hành lang pháp lý để đẩy mạnh phát triển y tế điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế Việt Nam.
Xây dựng và công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, trong đó có các tiêu chuẩn kết nối liên thông nhằm đảm bảo khả năng kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm với nhau.
Thứ hai, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025, ban hành Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 5316/QĐ-BYT.
Thứ ba, triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước, với 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số, thực hiện kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và 63 UBND tỉnh, thành phố, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Tiếp theo, triển khai thành công và có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế, xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN.
Ngày 30/6/2020 đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao.
Thứ năm, khai trương Cổng công khai Y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…
Thông qua Cổng công khai Y tế này, người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành Y tế cung cấp đồng thời giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.
Tiếp theo, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 1.356 bệnh viện các tuyến, 704 cơ quan Bảo hiểm xã hội quận/huyện, 704 Trung tâm y tế huyện; 710 trung tâm y tế cơ quan xí nghiệp và 11.105 Trạm y tế xã, phường trên cả nước với nhau.
Cho tới nay đã có 99.5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thứ bảy, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện có bước phát triển đột phá, 100% các bệnh viện có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), 20 bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không không dung tiền mặt, từng bước hình thành bệnh viện thông minh.
Đến nay, có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Nhiều bệnh viện đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế, ứng dụng ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện.
Tiếp theo, xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế.
Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.
Ngày 25/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ Khánh thành.
Thứ chín, Bộ Y tế đã và đang xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Y tế;
Hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin y tế có quy mô quốc gia đã được triển khai như: Hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; Hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc;
Hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm; Hệ thống quản lý chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh,…
Cuối cùng, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở trên thế giới và Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trong phòng chống, dịch bệnh Covid-19;
Huy động được hơn 20 doanh nghiệp công nghệ tham gia (VNPT, Viettel, SOVICO, FPT, DTT, …) với hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Với 10 thành tựu nêu trên, có thể khẳng định, ngành Y tế đã đạt được mục tiêu đặt ra về ứng dụng công nghệ thông tin-chuyển đổi số Y tế.
Năm 2020 vừa qua, Bộ Y tế được các Bộ, Ngành, dư luận suy tôn là điểm sáng chuyển đổi số quốc gia, vì là Bộ, Ngành dầu tiên phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Qua chấm điểm, đánh giá các chỉ số, Bộ Y tế xếp thứ 5 trong các Bộ, Ngành về Chuyển đổi số.