Theo số liệu công bố của Bộ Công thương, tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng 9 và tăng 2,7% so với tháng 10 năm 2014.
Tính chung 10 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 134,62 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với tăng 10,5 tỷ USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 39,5 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 95,1 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 14,3%; nếu không kể dầu thô kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 91,8 tỷ USD tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2014
Tháng 10, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng 9 và tăng 4% so với tháng 10 năm 2014, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước 8,7 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng 9 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014.
10 tháng năm 2015, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 17,1 tỷ USD, trong khi khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 13 tỷ USD.
Tính chung 10 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 138,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 82,1 tỷ USD, tăng 19,3%, chiếm tỷ trọng 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 56,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 40,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, cán cân thương mại tiếp tục nhập siêu với mức nhập siêu tháng 10 ước 100 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 10 tháng 2015, nhập siêu khoảng 4,13 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu, trong đó khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 17,1 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 13 tỷ USD.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Một số mặt hàng như nông sản, quặng và khoáng sản, khí đốt hóa lỏng, nguyên liệu dược phẩm, gỗ và sản phẩm có mức tăng tương đối lớn, do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp vào thời điểm gần cuối năm tăng cao.
Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.
Theo tính toán của Bộ này, mục tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là tăng 10% so với năm 2014 (đạt 165 tỷ USD). Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 134,62 tỷ USD, bằng 81,6% kế hoạch năm, như vậy bình quân 2 tháng cuối năm phải đạt gần 15,2 tỷ USD/tháng. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Bộ Công thương cho biết, trong 2 tháng còn lại của năm, Bộ sẽ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu hiệu quả, quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng trưởng xuất khẩu 10% và kiểm soát nhập siêu dưới 5% so với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015.
Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; dự báo, đánh giá và thông tin kịp thời nhu cầu thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản.