1. Sự kiện biển Đông làm rúng động tâm lý NĐT chứng khoán
Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam. Những diễn biến căng thẳng xung quanh sự kiện này khiến tâm lý NĐT trên TTCK Việt Nam rúng động, thị trường liên tiếp sụt giảm. Riêng phiên ngày 8/5, VN-Index giảm 6,23%, HNX-Index giảm 6,84%. Vốn hóa thị trường giảm khoảng 1,5 tỷ USD trong vòng 2 tuần.
Đợt sụt giảm mạnh thứ hai của TTCK diễn ra vào đầu tháng 12 khi giá dầu thế giới giảm xuống những mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Nhóm cổ phiếu dầu khí dẫn đầu thị trường về mức độ mất giá. Tuy nhiên, kết thúc năm 2014 (kết thúc phiên giao dịch ngày 30/12), VN-Index vẫn tăng 32,9 điểm (+6,53%) so với cuối năm 2013, nhờ xu hướng tăng điểm những tháng đầu năm và giai đoạn phục hồi cuối quý II và phần lớn quý III.
2. Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào TTCK Việt Nam
Đó là Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam - điểm đến của NĐT Nhật Bản” ngày 25/4 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì, diễn ra tại Nhật Bản.
Đó là Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 ngày 19/6 với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?” do Báo Đầu tư chủ trì tổ chức, nhằm giới thiệu hình ảnh và các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nỗ lực triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam trong bảng xếp hạng của MSCI từ mức thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với 25/31 cơ quan quản lý TTCK châu Âu về giám sát công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư, mở ra triển vọng thu hút dòng vốn từ châu Âu vào TTCK Việt Nam.
3. Chính phủ kiên quyết CPH 432 DNNN trong năm 2014-2015
Giai đoạn 2011-2013, số lượng DN CPH rất thấp, không phù hợp với lộ trình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015. Do đó, trong 2 năm 2014 - 2015, Chính phủ đưa ra kế hoạch CPH 432 DN (năm 2014 là 163 DN).
Để kế hoạch đặc biệt này về đích đúng hạn, đảm bảo chất lượng, chứ không phải là việc “đổi tên” DNNN sang hình thức công ty cổ phần, một trong những giải pháp đặc biệt đã được cho phép thực hiện là bán cổ phần dưới mệnh giá. Cụ thể, ngày 6/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 15/2014/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN. Trong đó, cho phép DNNN được thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính dưới mệnh giá, hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán. Trong năm 2014, nhiều DNNN lớn đã CPH thành công như Viglacera, Vietnam Airlines, Vinatex… Các Sở GDCK đã tổ chức được 86 phiên đấu giá với giá trị bán được đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2013.
4. Gắn IPO DNNN với nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán
Ngày 15/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực từ đầu tháng 11, quy định: các DN cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM trong vòng 90 ngày; nếu đủ điều kiện thì chuyển lên niêm yết trong vòng 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đối với các DN cổ phần hóa trước thời điểm văn bản trên có hiệu lực thì phải thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/11/2014. Dự báo, UPCoM sẽ tràn ngập hàng mới kể từ đầu năm 2015 khi thời hạn 90 ngày của nhiều DN đã IPO kết thúc; sau đó, 2 sàn niêm yết cũng sẽ tràn ngập hàng mới.
5. Chính phủ phê duyệt Đề án TTCK phái sinh
Ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam”.
Sau khi Đề án được phê duyệt, UBCK và các Sở GDCK nhanh chóng bắt tay vào soạn thảo, xây dựng hành lang pháp lý để thị trường này được chính thức vận hành từ năm 2016.
Theo dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, CTCK muốn tự doanh chứng khoán phái sinh phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu 600 tỷ đồng trở lên, đáp ứng các điều kiện về tình hình tài chính, nhân sự, công nghệ, được UBCK chấp thuận bằng văn bản. Muốn triển khai nghiệp vụ môi giới chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên. Về sản phẩm trên TTCK phái sinh, UBCK đề xuất triển khai hai sản phẩm đầu tiên là: hợp đồng tương lai TPCP và hợp đồng tương lai chỉ số.
6. VSD ban hành cơ chế vay và cho vay chứng khoán
Ngày 19/8, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) ban hành Quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán (SBL). Trước mắt, hệ thống SBL được xây dựng nhằm thực hiện hai mục đích chính.
Một là, hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro của hệ thống thanh toán chứng khoán thông qua công cụ vay và cho vay chứng khoán để hỗ trợ thanh toán giao dịch chứng khoán trong trường hợp thành viên lưu ký do sửa lỗi dẫn đến tạm thời thiếu hụt chứng khoán để thanh toán.
Hai là, hỗ trợ các tổ chức đủ tiêu chí làm thành viên lập quỹ ETF có đủ chứng khoán để góp vốn và thực hiện giao dịch của quỹ hoán đổi danh mục.
Ngoài ra, hệ thống SBL sẽ giúp cho các thành viên thị trường dễ dàng tiếp cận thông tin và thực hiện các giao dịch vay, cho vay chứng khoán một cách chính thống nhằm đảm bảo lợi ích, giảm chi phí cho các bên tham gia, qua đó hạn chế hoạt động cho vay ngầm.
7. Hai quỹ ETF nội đầu tiên được thành lập và niêm yết
Quỹ ETF là sản phẩm ưu việt khi kết hợp tính chất của cả quỹ đóng và quỹ mở. Sản phẩm này kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của NĐT, góp phần phát triển cơ sở NĐT, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu TTCK...
Quỹ ETF nội đầu tiên là Quỹ ETF VFMVN30 do CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) thành lập và niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM vào ngày 6/10. Quỹ ETF nội thứ hai là Quỹ ETF SSIAM HNX30 do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI quản lý, niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội vào ngày 29/12. Hiện ngành quỹ Việt Nam có 43 công ty quản lý quỹ, quản lý 26 quỹ đầu tư, gồm 15 quỹ mở, 2 quỹ ETF, 8 quỹ thành viên và 1 quỹ đóng.
8. Nhiều kỷ lục trên thị trường trái phiếu chính phủ
Ngày 7/11, Bộ Tài chính phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế. Lãi suất phát hành là 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đến nay (lãi suất phát hành năm 2005 là 6,875%/năm, năm 2010 là 6,755%/năm). Thành công của đợt phát hành trái phiếu năm 2014 đã hoán đổi được 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế phát hành năm 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế phát hành năm 2010, với tổng lợi ích sau khi hoán đổi là 13,9 triệu USD; góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ.
Thị trường trái phiếu trong nước năm 2014 cũng ghi nhận mức tăng mạnh của dòng tiền. Tính đến ngày 15/12, tổng khối lượng trúng thầu TPCP qua đấu giá tại HNX đạt 214.344 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số lập kỷ lục năm 2013 là 143.000 tỷ đồng; tổng giá trị giao dịch TPCP trên HNX đạt 810.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2013 và gấp 10 lần năm 2010.
9. Thông tư 36 minh bạch dòng tiền vào thị trường
Ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, Thông tư quy định, tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD (quy định trước đó là 20% vốn điều lệ).
Ngoài ra, TCTD chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%... Thông tư 36 có hiệu lực thi hành từ 1/2/2015, nhưng ngay từ khi ban hành, các CTCK đã nháo nhào tìm cách huy động vốn, đáp ứng nhu cầu margin của khách hàng.
Thực tế, trong năm 2014, TTCK chứng kiến dòng tiền margin tăng mạnh. Theo ước tính của một số CTCK, lượng tiền margin thời điểm cuối tháng 3 vào khoảng 20.000 tỷ đồng, số dư nợ margin vào thời điểm đầu tháng 8 còn lớn hơn. Do không có thông tin chính thức và thống kê cụ thể, nên dư nợ margin trở thành thông tin đồn đoán và tác động không nhỏ đến tâm lý NĐT. Đầu tháng 11/2014, đại diện UBCK chính thức công bố con số margin thực tế trên thị trường tính đến cuối tháng 10 là 17.000 tỷ đồng. Cùng với hoạt động margin sôi động, nhiều CTCK bị xử phạt do lỗi liên quan đến margin.
10. Quốc hội thông qua hàng loạt dự luật quan trọng
Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều đạo luật như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Trong đó, Luật Đầu tư sửa đổi đã thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Danh mục này cũng thống nhất với Luật Doanh nghiệp. Đây được đánh giá là điểm sáng, tiến bộ vượt bậc của các đạo luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giúp TTCK tăng trưởng. Luật Doanh nghiệp sửa đổi trong quy định về công ty cổ phần đã đưa ra một loạt cải cách về quản trị, cơ chế bảo vệ cổ đông, minh bạch thông tin…
Trong khi đó, 2 sắc luật liên quan đến thị trường địa ốc có nhiều điểm mới, trong đó cho phép Việt kiều, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, qua đó, giúp nhóm cổ phiếu bất động sản niêm yết trên sàn tạo “sóng”.