Susan Wojcicki
Công ty: YouTube
Doanh thu: 15 tỷ USD (2019)
Trị giá: 500 triệu USD
Tuổi: 51
Susan Wojcicki nắm quyền điều hành YouTube vào năm 2014 nhưng rất lâu trước khi trở thành Giám đốc điều hành của nền tảng chia sẻ video này. Bà là nữ doanh nhân đầu tiên mở đường cho bảng xếp hạng các nữ CEO có hiệu suất cao nhất hiện nay.
Wojcicki bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 11 tuổi, với việc bày bán các xâu gia vị tại quê nhà Palo Alto, bang California.
Cô từng viết bài cho tờ báo của trường trước khi theo học ngành khoa học nhân văn và tham gia khóa học máy tính đầu tiên của mình. Cô tốt nghiệp hạng ưu ngành lịch sử và văn học từ Đại học Harvard, cùng với kế hoạch lấy bằng tiến sĩ kinh tế trước khi tiến sâu vào sự nghiệp trong lĩnh vực học thuật.
Tuy nhiên, những kế hoạch trên đã thay đổi khi bà phát hiện ra mình có sở thích công nghệ. Sau đó, bà đã đảm nhận vai trò marketing cho Intel và chính tại đây, một người bạn đã giới thiệu bà với Larry Page và Sergey Brin, những người sáng lập Google. Hai nhà sáng lập này đã thuê nhà để xe của Wojcicki để thiết lập công cụ tìm kiếm và sau đó họ đã cho thuê toàn bộ phòng ngủ của bà ở tầng trệt. Wojcicki hoan nghênh sự hỗ trợ tài chính này vì cô và chồng đang mắc kẹt với khoản thế chấp, khoản nợ vay sinh viên, và một em bé sắp chào đời.
Đến năm 1999, Wojcicki trở thành nhân viên thứ 16 của Googel và đảm nhiệm vị trí giám đốc marketing của “người gác cổng internet” này. Sau đó, cô thăng tiến lên vị trí Phó chủ tịch cấp cao về quảng cáo và thương mại. Kể từ đó, cô thực hiện giám sát dịch vụ Video của Google - đối thủ cạnh tranh đáng gờm của YouTube tại thời điểm đó. Nhìn thấy tiềm năng của YouTube, Wojcicki đã kiến nghị Google mua lại YouTube và cuối cùng đã xử lý thương vụ này với giá 1,65 tỷ USD vào năm 2006.
Lisa Su
Công ty: AMD
Doanh thu: 6,73 tỷ USD (2019)
Trị giá: ước tính 217 triệu USD
Tuổi: 50
Macbook, thiết bị chơi game PS4 của Sony và Xbox One của Microsoft, các mẫu điện thoại thông minh mới nhất của Samsung và máy bay không người lái quân sự UAV đều có một điểm chung là sử dụng phần cứng AMD.
Advanced Micro Devices, Inc. (AMD) là công ty sản xuất bán dẫn của Mỹ chuyên phát triển các bộ vi xử lý máy tính cho doanh nghiệp và thị trường hàng điện tử tiêu dùng. Đứng đầu AMD là bà Lisa Su, một giám đốc điều hành kinh doanh người Mỹ gốc Đài Loan kiêm kỹ sư điện. Nữ doanh nhân này đã thăng tiến qua nhiều cấp bậc ở các vị trí quản lý kỹ thuật khác nhau ở IBM, Texas Instruments và Freescale Semiconductor trước khi trở thành CEO và Chủ tịch của AMD vào năm 2014.
Định cư tại Mỹ từ năm 3 tuổi, Lisa Su được người cha theo ngành thống kê khuyến khích học toán và khoa học. Mẹ của Lisa Su là một kế toán, người sau này trở thành doanh nhân và giúp cô hình dung các khái niệm kinh doanh. Su vốn ham học hỏi từ khi còn nhỏ, cô cho biết mình muốn trở thành một kỹ sư vì muốn biết mọi thứ hoạt động như thế nào.
Từ năm 10 tuổi, Lisa Su bắt đầu sửa những chiếc ô tô điều khiển từ xa của anh trai và sau đó tốt nghiệp trường trung học khoa học Bronx trước khi theo học ngành kỹ thuật điện tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Công việc đầu tiên của cô trở thành trợ lý nghiên cứu cho các sinh viên chưa tốt nghiệp, chế tạo các tấm silicon thử nghiệm cho các sinh viên tốt nghiệp. Đồng thời, Lisa Su có một công việc mùa hè tại Công ty bán dẫn quốc gia Analog Devices để theo đuổi đam mê công nghệ bán dẫn.
Khi còn là nghiên cứu sinh (tiến sĩ), Lisa Su đã trở thành một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên làm sáng tỏ một kỹ thuật chưa được chứng minh để cải tiến công nghệ bán dẫn. Năm 2017, Tạp chí Fortune vinh danh Lisa Su là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới.
Lynsi Snyder
Công ty: In-N-Out Burger
Doanh thu: 575 triệu USD (ước tính năm 2017)
Trị giá: 3,6 tỷ USD (2020)
Tuổi: 37
Hình ảnh thu nhỏ của chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh thời thượng trên bờ biển phía Tây nước Mỹ chắc chắn là In-N-Out Burger. Là cháu duy nhất của Harry và Esther Snyder, người thành lập chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt In-N-Out đầu tiên vào năm 1948, Lynsi Snyder là chủ sở hữu và người thừa kế đế chế kinh doanh gia đình này.
Điều làm nên sự đặc biệt của In-N-Out Burger là sự nhất quán và tôn trọng truyền thống khi những chiếc bánh vẫn được nướng với bột nở chậm vào mỗi buổi sáng, khoai tây chiên được cắt bằng tay từ nguyên củ, thịt được xay tại chỗ trong 333 nhà hàng, còn công thức chế biến bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên hầu như không thay đổi trong suốt 70 năm qua. Tủ đông, lò vi sóng và đèn giữ nhiệt đều bị cấm sử dụng ở tất cả các cửa hàng In-N-Out Burger để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm.
Lynsi Snyder vốn dĩ không phải giám đốc điều hành. Cô chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, mất cha vì lạm dụng ma túy, và tự mình chống chọi với lạm dụng ma túy và rượu. Bà chủ của In-N-Out Burger đã trải qua 3 lần ly hôn. Chú của cô, ông Rich Snyder, vẫn sẽ là Giám đốc điều hành của chuỗi đồ ăn nhanh đến ngày nay nếu ông ấy không qua đời trong một vụ tai nạn máy bay năm 1993.
Mất đi nhiều thành viên trong gia đình, Lynsi cuối cùng đã tìm thấy sức mạnh từ đức tin Cơ đốc và vận dụng kinh nghiệm sống của mình để bảo vệ hình ảnh của thương hiệu lành mạnh từ những năm 1950, trước khi phát triển doanh nghiệp lên mức giá trị hàng tỷ USD. Một sự thật thú vị là khách hàng có thể tìm thấy những câu kinh thánh nhỏ được in trên cốc nước và giấy gói bánh mì kẹp thịt của In-N-Out Burger.
Những ngày đầu làm việc tại In-N-Out Burger, bà chủ Lynsi Snyder dành thời gian tách lá rau diếp và làm việc tại quầy thu ngân. Kết hôn ở tuổi 18, Lynsi Snyder đảm nhận một vị trí tại bộ phận thương mại của công ty, nơi phê duyệt các dự án như thiết kế áo phông cho cửa hàng. Sau đó, Lynsi Snyder luân chuyển qua các phòng ban khác nhau và tự học về kinh doanh.
Đến năm 2010, Mark Taylor, giám đốc điều hành In-N-Out Burger lâu năm và là anh rể của Lynsi, đã giao lại vị trí này cho cô. Ở tuổi 27, Lynsi đã bắt đầu điều hành In-N-Out Burger ở thời điểm công ty đang đạt doanh thu ước tính 550 triệu USD từ kinh doanh tại 251 địa điểm.
Marillyn Hewson
Công ty: Lockheed Martin
Doanh thu: 453,76 tỷ USD (2018)
Trị giá: 88,2 triệu USD (ước tính năm 2020)
Tuổi: 66
Một số vũ khí chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới mang tên Lockheed Martin và đứng đầu công ty này là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới - Marillyn Hewson. Lockheed Martin là doanh nghiệp hàng đầu về hàng không vũ trụ, quốc phòng, an ninh và công nghệ tiên tiến toàn cầu của Mỹ.
Bản thân Lockheed Martin đã ký những hợp đồng hợp tác với các tổ chức tiếng tăm tại Mỹ, trong đó thực hiện doanh nghiệp này chịu trách nhiệm giám sát và xử lý thông tin cho Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), Sở thuế vụ liên bang Mỹ (IRS), Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), và Lầu Năm Góc. Chỉ trong năm 2008, Lockheed Martin đã thu về 36 tỷ USD từ các hợp đồng chính phủ, vượt mặt tất cả các công ty đã từng ký hợp đồng chính phủ Mỹ trong lịch sử.
Marillyn Hewson được nuôi dưỡng bởi mẹ, vốn là cựu quân nhân của Quân đoàn Phụ nữ (WAC), một đơn vị của quân đội Mỹ. Cha cô qua đời khi cô lên 9 tuổi và bản thân Marillyn Hewson nhận thấy khả năng lãnh đạo của mình là do ảnh hưởng của mẹ khi một mình mẹ cô nuôi dạy 5 đứa con.
Trước khi gia nhập Lockheed Martin, Marillyn Hewson đã hoàn thành bằng cử nhân khoa học về quản trị kinh doanh và bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Alabama. Sau đó, bà tham gia các chương trình phát triển quản trị của Trường Kinh doanh Columbia và Trường Kinh doanh Harvard.
Marillyn Hewson gia nhập Tập đoàn Lockheed với vai trò là kỹ sư công nghiệp cao cấp vào năm 1983. Sau đó bà đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý khác nhau, bao gồm: Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành; Phó chủ tịch điều hành Bộ phận kinh doanh hệ thống điện tử của Lockheed Martin và Bộ phận tích hợp hệ thống Lockheed Martin; Phó chủ tịch điều hành Bộ phận bảo hành hàng không toàn cầu của Lockheed Martin; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm hàng không Kelly; và Chủ tịch Công ty dịch vụ logistic của Lockheed Martin.
Năm 2012, Marillyn Hewson được bầu vào hội đồng quản trị của Lockheed Martin và đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành một năm sau đó.
Whitney Wolfe Herd
Công ty: Bumble
Doanh thu: 162 triệu USD (2018)
Trị giá: 290 triệu USD (2019)
Tuổi: 30
Nhận thức xã hội dường như là một trong những điểm tài năng nhất của Whitney Wolfe Herd. Ở tuổi 20, khi còn đang học đại học, cô bắt đầu kinh doanh riêng với việc bán túi sách đi chợ bằng tre để giúp đỡ các khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu giàn khoan nước sâu BP Deepwater Horizon năm 2010. Wolfe Herd đã tranh thủ sự giúp đỡ của nhà tạo mẫu đình đám Patrick Aufdenkamp để khởi động một dự án phi lợi nhuận mang tên “Hãy giúp chúng tôi” (Help Us Project) và ngay sau đó, những chiếc túi tre của cô lên mặt báo khi những người nổi tiếng như Nicole Richie và Rachel Zoe sử dụng chúng.
Chỉ trong một thời gian ngắn làm việc tại các trại trẻ mồ côi ở Đông Nam Á sau khi tốt nghiệp, Herd gia nhập Vườn ươm khởi nghiệp Hatch Labs (thành phố New York) ở tuổi 22. Chính tại vườn ươm này, cô đã gặp Sean Rad và gia nhập Công ty khởi nghiệp Cardify. Dự án sau đó bị hủy nhưng mối quan hệ của cô với Rad đã sớm giúp cô gia nhập một liên doanh khác của Rad vào năm 2012 - đơn vị phát triển ứng dụng hẹn hò Tinder.
Wolfe Herd sau đó trở thành giám đốc marketing của Tinder và được đánh giá cao nhờ sáng tạo ra tên ứng dụng. Biểu tượng ngọn lửa đặc trưng của Tinder được lấy cảm hứng từ việc Wolfe Herd sử dụng những que củi nhỏ (bùi nhùi) để khởi động lò sưởi trong căn nhà gỗ của cha mình ở bang Montana.
Sau những căng thẳng với CEO của Tinder, Wolfe Herd rời công ty này vào năm 2014 và ứng dụng hẹn hò của riêng mình nhằm cung cấp cho phụ nữ nhiều quyền kiểm soát hơn. Bumble đã ra đời từ đó. Đến năm 2017, ứng dụng hẹn hò Bumble đã thu hút được hơn 22 triệu người dùng đăng ký.
Là một trong những “nữ soái” quan trọng nhất trong ngành công nghệ hiện nay, Wolfe Herd cũng là CEO của Công ty công nghệ mới được mua lại MagicLab. MagicLab được định giá 3 tỷ USD, là công ty mẹ của nhiều ứng dụng hẹn hò phổ biến (như Bumble, Latch, và Badoo) với ước tính 75 triệu người dùng trong toàn hệ sinh thái.
Mary Barra
Công ty: General Motors
Doanh thu: 147 tỷ USD (2018)
Trị giá: 55,8 triệu USD (ước tính năm 2019)
Tuổi: 58
Xe hơi Mỹ dường như đã ăn sâu vào máu của Mary Barra. Cha cô, ông Ray đã dành 39 năm làm việc cho nhà máy ô tô Pontiac ở Detroit còn bản thân Mary Barra lấy bằng cử nhân khoa học về kỹ thuật điện tại Học viện General Motors. Khi còn là sinh viên, năm 18 tuổi cô bắt đã đầu làm việc cho General Motors với tư cách là một sinh viên hợp tác vào năm 1980. Công việc của Barra lúc đó liên quan đến việc kiểm tra các tấm chắn bùn và mui xe và cô đã sử dụng tiền lương của mình để trang trải học phí đại học.
Barra sau đó chuyển sang nhiều vị trí kỹ thuật và hành chính khác trong Tập đoàn General Motors trước khi quản lý toàn bộ một nhà máy lắp ráp của hãng ô tô này. Thời gian sau, cô tiếp tục theo học Trường cao học kinh doanh Stanford theo học bổng của General Motors và lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đây.
Sự cống hiến của Barra cho General Motors giúp cô thăng tiến vượt bậc từ năm 2008 và đến năm 2014 khi cô trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một hãng sản xuất ô tô.
Ginni Rometty
Công ty: IBM
Doanh thu: 79,59 tỷ USD (2018)
Trị giá: 90 triệu USD
Tuổi: 62
Là con cả trong gia đình với 4 người con và người cha đã rời bỏ gia đình khi cô mới 15 tuổi, Ginni Rometty đã trở thành “người lãnh đạo” trong gia đình và đảm đương các công việc trong nhà vào buổi tối khi mẹ cô cáng đáng những công việc.
Ginni Rometty theo học tại Đại học Northwestern vào năm 1975 theo học bổng của General Motors - doanh nghiệp mà cô đã thực tập trong những năm học đại học. Tốt nghiệp với thành tích cao cùng với bằng cử nhân về khoa học máy tính và kỹ thuật điện, năm 1979 Rometty bắt đầu sự nghiệp của mình tại Học viện General Motors. Hai năm sau, cô chuyển đến IBM với tư cách là nhà phân tích hệ thống và kỹ sư hệ thống. Từ đó, cô kinh qua nhiều chức vụ quản lý khác nhau, bao gồm cả bán hàng.
Năm 2002, Rometty đã giúp IMB thực hiện một thỏa thuận mua lại bộ phận tư vấn của hãng dịch vụ tài chính PricewaterhouseCoopers (PwC) với giá 3,5 tỷ USD. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử dịch vụ chuyên nghiệp ở thời điểm đó và đây cũng là thương vụ đưa IBM gia nhập lĩnh vực kinh doanh dịch vụ.
Được biết, Rometty giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành IMB vào năm 2012 và cũng là nữ lãnh đạo cao nhất đầu tiên trong lịch sử hoạt động 108 năm của tập đoàn này. Mới đây đã có thông báo rằng Rometty sẽ từ chức CEO và người kế nhiệm là Arvind Krishna.
Sonia Cheng
Công ty: Tập đoàn khách sạn Rosewood
Doanh thu: Chưa xác định
Trị giá: 20,7 tỷ USD (ước tính)
Tuổi: 39
Sinh ra trong một trong những gia đình giàu có nhất Hong Kong tưởng chừng sẽ mở ra vô số cơ hội cho Sonia Cheng, nhưng chuyện không phải vậy, Sonia Cheng đã tạo được dấu ấn riêng cho mình kể từ khi rời khỏi vị trí CEO của Tập đoàn khách sạn Rosewood ở tuổi 30.
Cheng là cháu gái của tỷ phú Hong Kong Cheng Yu-Tung và vào năm 2011, cô phụ trách mảng kinh doanh khách sạn của gia đình khi Tập đoàn khách sạn thế giới mới (New World Hospitality Group) của họ mua lại Rosewood từ chủ sở hữu người Texas với giá 229,5 triệu USD. Kể từ đó, Cheng đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt mở đường ra toàn cầu của tập đoàn gia đình. Hiện Tập đoàn khách sạn Rosewood có 28 cơ sở lưu trú tại 16 quốc gia. Và mục tiêu của Cheng là biến Rosewood thành điểm đến hấp dẫn các khách thượng lưu trẻ tuổi.
Những năm trước đó, Cheng đã dành thời gian nghiên cứu toán học ứng dụng tại Đại học Harvard. Sau khi tốt nghiệp, cô trở thành nhân viên ngân hàng đầu tư bất động sản cho cả Morgan Stanley và Quỹ đầu tư tư nhân của tỷ phú Warburg Pincus. Trong thời gian này, Cheng đã học cách phát triển những công ty nhỏ trở thành công ty niêm yết. Cô cũng học cách xây dựng đội ngũ quản lý hiệu quả và cách giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý các doanh nghiệp đang phát triển.
Chuyển sang vị trí tại Rosewood, Cheng khi đó 30 tuổi đã vấp phải sự hoài nghi từ các đối thủ và giới quan sát. Họ gán cho cô cái mác là “con gái của một ông trùm khách sạn”. Có những nghi ngờ rằng Cheng sẽ sống nhờ di sản của cha và ông nội, nhưng đến nay cô đã thay đổi được những thành kiến đó, nhờ sự khiêm tốn thấm nhuần của bản thân.
Cheng đã dành toàn bộ hai năm đầu tiên dấn thân vào ngành công nghiệp khách sạn để đánh giá chi tiết hơn về cách hoạt động của các bộ phận khác nhau - từ bộ phận quản lý dọn phòng, nhân sự, vận hành, đến bán hàng và tiếp thị. Tính đến năm 2020, Rosewood Hotel Group đã công bố triển khai 32 dự án mới trong lộ trình phát triển của mình và đây là cũng lượng dự án nhiều nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn này.
Maggie Timoney
Công ty: Heineken USA
Doanh thu: 21,89 tỷ EUR (2017 toàn cầu)
Giá trị: Chưa xác định
Tuổi: 54
Khi được mệnh danh là nữ CEO đầu tiên của 1 trong 5 công ty bia hàng đầu tại Mỹ, Maggie Timoney đã làm được điều phi thường. Trong cuộc họp thường niên của Heineken USA tại San Diego và giữa đám đông các nhà phân phối bia lớn mà chủ yếu là nam giới, Maggie Timoney đã tuyên bố: “Tôi sẽ được đánh giá dựa trên kết quả của mình, không dựa trên việc tôi là nam hay nữ. Tôi được đặt vào vị trí công việc này không phải vì tôi là phụ nữ. Tôi được đảm nhận công việc này vì Amsterdam tin tưởng tôi”.
Người ta có thể nhìn nhận cách cạnh tranh chắc chắn của Timoney giống như những ngày đầu cô còn là một vận động viên bóng rổ.
Sinh ra ở Ireland và là con út trong gia đình có 4 người con, khi lớn lên, Timoney tham gia các đội bóng rổ và chính tại đây, cô đã nuôi dưỡng khả năng chiến đấu trong thể thao và kinh doanh. Cô học được rằng dù có các đội nam - nữ khác nhau, nhưng khi đến thời điểm đấu với các đội bên ngoài, đều cần kết hợp các đội để chọn người chơi đủ sức giành chiến thắng. Bóng rổ cuối cùng đã dạy cho Timoney tính kiên cường, sự tự tin và khả năng tự cường.
Khi học đại học ở New York, Timoney bắt đầu làm việc trong ngành kinh doanh rượu. Cô gia nhập Heineken USA vào năm 1990 với vị trí Giám đốc kế hoạch bán hàng quốc gia, trước khi đảm nhiệm các vị trí cấp cao hơn tại Hà Lan và đến Canada làm Tổng giám đốc.
Sau đó, Timoney đã trở lại bang quê nhà tại Mỹ để đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nhân sự - một lĩnh vực mà ban đầu Timoney không hề có chuyên môn, nhưng sau đó cô vẫn đạt được thành công ở vị trí này.
Timoney có hơn 20 năm làm việc tại Heineken, với nỗ lực học hỏi về hoạch định chiến lược, quan hệ đối tác toàn cầu và phân phối quốc tế, trước khi cô được thăng chức lên vị trí cao nhất.
“Tôi biết mình có một trọng trách to lớn trên vai phải thực hiện đối với Heineken USA, đối với ngành này, đối với bản thân và gia đình cũng như cho các nữ lãnh đạo và các cô gái trẻ ở khắp mọi nơi, những người nói rằng ‘vâng, vâng, tôi có thể ở đó’, Timoney nói về trách nhiệm mới của mình vào năm 2018.
Safra Catz
Công ty: Oracle
Doanh thu: 39,1 tỷ USD (2020)
Trị giá: 1,1 tỷ đô la Mỹ
Tuổi: 59
Khi cùng gia đình rời Israel đến nhập cư tại Mỹ, Safra Catz mới có 6 tuổi. Không có gì quá bất thường với sự nuôi dạy của Safra Catz và cô đã hoàn thành chương trình học phổ thông trước khi học cử nhân luật. Safra Catz bắt đầu sự nghiệp với vai trò một nhân viên của một ngân hàng đầu tư, sau đó giữ vị trí CEO tại Ngân hàng đầu tư Lufkin & Jenrette. Sau đó, Safra Catz vươn lên vị trí Phó chủ tịch cấp cao của Lufkin & Jenrette trước khi gia nhập hãng phần mềm Oracle vào năm 1999 với chức danh tương đương.
Tài năng đã giúp Safra Catz khẳng định mình và thăng tiến nhanh chóng, cô trở thành thành viên Hội đồng quản trị Oracle vào năm 2001 và sau đó giữ chức Chủ tịch vào năm 2004.
Thành tựu lớn nhất của cô tại Oracle gắn liền với hợp đồng mua lại đối thủ phần mềm cạnh tranh PeopleSoft. Catz đã giám sát thương vụ tiếp quản trị giá 10,3 tỷ USD này, đồng thời thương vụ cũng giúp cô có được vị trí Giám đốc tài chính.
Đến năm 2009, Safra Catz được xếp hạng là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lĩnh vực kinh doanh. Sau cuộc bầu cử của Donald Trump, Catz được đánh giá cao cùng với các CEO nổi tiếng khác như Tim Cook của Apple, Jeff Bezoz của Amazon và Sheryl Sandberg của Facebook. Catz hiện được biết đến là nữ CEO được trả lương cao nhất trong giới doanh nghiệp Mỹ.
Ngoài nắm quyền Chủ tịch Oracle, Catz còn tham gia Hội đồng quản trị của đế chế Walt Disney từ năm 2017.