“Du lịch đã chọn tôi”
Gặp doanh nhân Thái Thị Thanh Lan khi bà đang tất bật tại Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Việt Nam - siêu thị OCOP đầu tiên trong số 200 cửa hàng mà đơn vị này dự kiến khai trương trên cả nước trong năm nay và điểm bán hàng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn của các hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Long Biên, Hà Nội thời gian qua, hẳn không nhiều người nghĩ rằng, người phụ nữ dạn dày trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản ấy mới chuyển sang mảng xuất khẩu nông sản vừa tròn 1 năm và cũng mới đảm trách vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam (LHO) được 3 tháng.
Bà vốn là một CEO “cứng” trong ngành lữ hành với gần 20 năm kinh nghiệm. Năm 2002, khi tốt nghiệp đại học ngành kinh tế ít lâu, Thanh Lan lại nhận lời mời làm việc cho công ty lữ hành chuyên đón khách du lịch Pháp của dì mình. “Những năm 90 của thế kỷ trước, việc một người giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp, lại có tài kinh doanh như dì khiến tôi rất ngưỡng mộ. Sự hấp dẫn về việc được tiếp cận và làm việc với những con người đến từ một đất nước phát triển, có nét văn hóa khá tương đồng với Việt Nam đã khiến tôi gắn bó với ngành du lịch, dù trái với ngành học”, bà kể.
Đến với du lịch là điều không định trước, nhưng công việc đã truyền cảm hứng, khách du lịch Pháp đã khiến Thanh Lan luôn thấy mình có tình yêu mãnh liệt với nền văn hóa và con người Pháp. Từ trong sâu thẳm trái tim, bà thực sự coi nước Pháp là quê hương thứ hai của mình. Bà nỗ lực học tiếng Pháp và xác định sẽ gắn bó cả cuộc đời với con đường tràn ngập tiếng cười, nhưng cũng đầy chông gai này. Nữ CEO thừa nhận: “Du lịch đã chọn tôi”.
Hiện tôi nhận được khá nhiều lời đề nghị làm đối tác xuất khẩu nông sản sang các thị trường dễ tính hơn. Nhưng đâu đó với thị trường này, tôi cảm thấy giá trị thật của các sản phẩm chưa thật sự được trân trọng xứng đáng ở vị trí của nó, nên vẫn chưa nhận lời. Tôi muốn những người trực tiếp làm ra sản phẩm cũng được vinh danh, hưởng lợi qua chính những sản phẩm họ dày công tạo ra.
CEO Thái ThịThanh Lan
Sau khi gia đình người dì định cư tại Pháp, mô hình công ty thay đổi, Thanh Lan cũng muốn dành nhiều thời gian cho gia đình. Năm 2014, bà quyết định tập trung cho Công ty TNHH Việt Nam Đông Dương (Vietindo Travel) do hai vợ chồng bà thành lập năm 2009 với hai mảng xuất khẩu và lữ hành quốc tế. Nhưng từ 2009 - 2014, bà gần như bỏ lửng mảng xuất nhập khẩu, tập trung toàn bộ tâm lực, trí lực cho niềm đam mê du lịch.
Điều khiến CEO Vietindo Travel cháy hết mình với thị trường Pháp là bà trân quý cách du lịch của họ. Người Pháp sẵn sàng chi cho những dịch vụ đắt để đến một vùng núi xa xôi, hiểm trở, còn chưa in hằn nhiều dấu chân và những bản làng với điều kiện sinh hoạt hạn chế. “Họ bảo, chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền để mua được sự khổ ải, khó khăn đó, nhưng cảm thấy rất hạnh phúc vì điều này”, bà Thanh Lan kể.
Bà cho biết, người Pháp đi du lịch không phải để hưởng thụ hay check-in theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Đến bất cứ đâu, họ cũng muốn tìm hiểu cặn kẽ từng chi tiết dù là nhỏ nhất một cách tinh tế và sâu sắc. Điều đó cũng tương đồng với cá tính của nữ CEO Vietindo Travel. Đến giờ vẫn thế, doanh nhân Thanh Lan lúc nào cũng xinh đẹp, tự tin, chân thành, kỹ tính và tỉ mỉ.
“Dù từng được mời vào những vị trí công việc khác có thu nhập cao hơn, nhưng tôi vẫn làm công việc mà tôi gắn bó. Chỉ với niềm đam mê, tôi mới có thể là chính mình, luôn nỗ lực, nhiệt huyết và yêu nghề”, nữ doanh nhân sinh năm 1978 chia sẻ.
Bất ngờ, khi ngành du lịch đang ở thời kỳ hoàng kim nhất, cơn “sóng thần” Covid-19 đã ập đến, “đánh sập” 95% công ty lữ hành. Thế nhưng, CEO Vietindo Travel không bỏ cuộc. Bà tiếp tục củng cố kiến thức, kỹ năng, tái cơ cấu doanh nghiệp, chờ ngày được đón và phục vụ du khách Pháp.
Với vai trò là Phó chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô (Captour Club), năm 2020, CEO Thanh Lan đã cùng lãnh đạo Captour Club tổ chức thành công 3 chương trình Famtrip: Famtrip tâm linh Hà Nội - Vị Xuyên (Hà Giang), Famtrip “Cung đường biển huyền thoại” (Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên); Famtrip “Untouched Lâm Bình”. Dự kiến khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, bà sẽ cùng Captour Club tiếp tục tổ chức chương trình Famtrip “Untouched Lâm Bình” với các điểm liên kết Hà Giang - Vị Xuyên - Lâm Bình - Bắc Mê - Hà Nội.
Luôn chọn thị trường khó tính
Xoay chuyển sang mảng xuất khẩu nông sản khi đại dịch khiến du lịch quốc tế đóng băng, nữ doanh nhân cho biết, sự tận tụy với du lịch gần 20 năm đã hỗ trợ rất đắc lực cho bà. “Nhờ luôn kỹ càng khi xây dựng sản phẩm du lịch, trực tiếp là ‘chuột bạch’ cho những dịch vụ, trải nghiệm từng địa danh, từng món ăn, sản vật địa phương, đặc sản vùng miền, nên khi làm xuất khẩu, trong đầu tôi đã định hình sẽ làm sản phẩm nào, làm như thế nào, ở đâu và với ai”, CEO Vietindo Travel bật mí.
Bà cho rằng, du lịch và xuất khẩu nông sản có sự tương đồng rất sâu sắc, một bên là kết nối trải nghiệm điểm đến và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, một bên là đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài. CEO Vietindo Travel khẳng định: “Xuất khẩu nông sản sang châu Âu là con đường đầy chông gai, thử thách tính kiên nhẫn, sự chu toàn, tỉ mỉ và chỉ dành cho những ai thật sự tâm huyết, nỗ lực và thích chinh phục, nếu không sẽ rất dễ bỏ cuộc”.
Điều bà cảm thấy tiếc nuối nhất là người dân ở các vùng quê chưa hiểu rõ những điều quý giá họ đang nắm giữ. “Họ có ruộng đất, nhân lực, sự thông minh, lòng nhiệt thành cùng với đôi tay cần mẫn và khéo léo, để làm ra được những sản phẩm tinh túy của đất trời mà người dân trên toàn thế giới đều ao ước… Nhưng rất nhiều người chưa biết trân quý, thậm chí không hiểu giá trị công việc họ đang làm, từ đó làm việc xuề xòa và mang tư duy ngắn hạn”, bà Lan tâm sự.
Bà kể, có những đối tác hiểu rất sâu sắc giá trị một mặt hàng khi được xuất khẩu thành công sang thị trường châu Âu. Họ quan tâm và dõi theo hành trình xuất ngoại, mong ngóng, tiếp thu phản hồi của khách hàng và nỗ lực cải tiến sản phẩm. Nhưng cũng có người phải cầm tay chỉ việc, mà vẫn không hiểu được một sản phẩm nông sản muốn có mặt tại thị trường khó tính bậc nhất như châu Âu phải trải qua những quy trình khắt khe và kín kẽ đến nhường nào.
CEO Vietindo Travel dẫn dụ, để lô mì chũ (Bắc Giang) đầu tiên xuất khẩu sang Pháp, bà đã mất rất nhiều thời gian và công sức. Khi chính thức sản xuất lô hàng, 4 ngày đầu, bà và một nhân viên khác của Công ty phải giám sát sản xuất tận nơi, hướng dẫn từng người từ tinh mơ đến tối muộn, mặc dù tất cả các quy trình, điều khoản, mẫu sản phẩm đã thống nhất với nhà cung cấp trước đó một thời gian dài.
“Chúng tôi phải tự tay nhặt từng viên sạn, vớt từng vỏ trấu nổi lên khi ngâm gạo, yêu cầu người lao động đeo găng tay khi làm việc… Ban đầu, họ cho rằng, chúng tôi quá kỹ và khó tính. Nhưng họ không hiểu rằng, lô hàng này không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm của chính họ, mà còn là uy tín của một doanh nghiệp và cao hơn là của cả một quốc gia. Rất mừng là, sau khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu thành công, họ đã thấu hiểu hơn”, nữ doanh nhân chia sẻ.
Bà buồn rầu cho biết, dù đã ký kết hợp đồng, nhưng có những chủ thể sẵn sàng đẩy nhà xuất khẩu vào tình huống dở khóc, dở cười. Họ giao thiếu khối lượng khi đến hạn, không cải tiến sản phẩm, thậm chí vào thời điểm thu hoạch, giá tiêu thụ trong nước bỗng cao hơn, họ sẵn sàng phá hợp đồng để hưởng lợi trước mắt. Sự tùy tiện và tư duy ngắn hạn của người nông dân là bất cập lớn.
Với thị trường châu Âu khó tính, ngoài việc phải hoàn thiện một bộ hồ sơ đầy đủ từ kiểm định, kiểm dịch, hàng hóa đến tất cả bộ giấy tờ chứng minh hàng hóa từ khâu trồng nguyên liệu cho đến khâu ra sản phẩm cuối cùng, hàng rào thuế quan, kỹ thuật, thì nhà xuất khẩu còn phải đối mặt với những rủi ro đến từ ngành sản xuất nông nghiệp dễ tổn thương, phụ thuộc lớn vào thời tiết, dịch bệnh, ổn định chính trị…
Nhờ kinh doanh nhạy bén, nỗ lực xoay chuyển những biến động, chỉ trong năm 2020, bà đã góp phần đưa 15 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp. Hiện bà đang làm việc với các đối tác khác tại Đức, Cộng hòa Séc để xuất khẩu nông sản sang các thị trường này.
“Tôi chọn thị trường khó tính nhất không chỉ vì lợi nhuận hay mang đến những giá trị cao hơn cho nông dân, mà còn vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu là lời khẳng định chân thực, khách quan nhất cho chất lượng nông sản Việt và sản phẩm cũng dễ dàng được đón nhận ở những thị trường khó tính khác”, nữ doanh nhân tuổi Ngọ cho hay.
Khi nhận đảm trách vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của LHO với cả hai mảng nội địa và xuất khẩu, bà Thanh Lan rất hào hứng: “Tôi biết rằng, sân chơi của mình trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản giờ đây sẽ rất bao la. Dù làm du lịch hay nông nghiệp, tôi đều tự hứa sẽ tận tâm, tận lực. Chắc chắn, tôi sẽ tìm mọi cách để mở ra những con đường mới, đưa hàng nông sản Việt Nam chinh phục các thị trường lớn trên thế giới”.