Các báo cáo của đơn vị tổ chức đều chỉ ra rằng, ngành khách sạn Việt Nam năm 2019 dù có suy giảm về tốc độ tăng trưởng, chỉ còn duy trì ở mức 10,8%, so với mức trên 20% của năm 2018, nhưng đây vẫn là một con số ấn tượng so với các quốc gia trong khu vực và toàn châu Á.
Thị trường khách sạn Việt Nam cũng ghi nhận sự bùng nổ nguồn cung từ năm 2015 đến nay. Trong đó, phân khúc khách sạn 5 sao có mức độ tăng cung lớn nhất. Cụ thể, từ 2015 – 2019, số phòng khách sạn 5 sao tăng hơn gấp 2 lần, từ 24.212 phòng lên 52.213 phòng. Phân khúc 4 sao cũng duy trì mức tăng trưởng tốt, đạt từ 27.379 lên 39.023 phòng.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, nếu so sánh nguồn cung của Hà Nội, TP.HCM là hai thị trường lớn so với một số thị trường điển hình, ví dụ như Băng Cốc (Thái Lan) thì con số này còn khá nhỏ bé. Điều đó cho thấy triển vọng và tiềm năng của phân khúc này còn rất lớn.
Theo ông Gautam Bhandari, Phó giám đốc phát triển khu vực, Marriott APAC, Việt Nam đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư ngoại đến Việt Nam để khai thác quỹ đất. Trong 1 – 2 năm tới, các nhà đầu tư có thể tin tưởng vào dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào thị trường.
“Về lâu về dài, trong khoảng hơn 10 năm tới, thị trường sẽ ngày càng trưởng thành, đạt được độ chin và duy trì tăng trưởng. Đây cũng là bước tiến chung, không chỉ của Việt Nam mà cả các quốc gia khác trong khu vực, như Malaysia, Indonesia, thái Lan… Thị trường Việt Nam vẫn sẽ rất tiềm năng cả với khách nội và khách ngoại”, ông Gautam Bhandari nhấn mạnh.
Đánh giá tiềm năng thị trường, ông Christian Low, Giám đốc chiến lược Khu vực Châu Á -- Thái Bình Dương, SB Architect cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến tuyệt vời, so với tiềm năng thực tế thì mức độ khai thác vẫn chưa nhiều và còn triển vọng ở tương lai.
“Nhu cầu thị trường du lịch thế giới đếnViệt Nam là vẫn có, quan trọng là các đơn vị phát triển phải đưa ra được những sản phẩm độc đáo”, ông Christian Low cho biết.
Theo bà Thủy Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Silk Path Hotels & Resort thì trong 10 năm tới, lượng khác du lịch nội địa sẽ vẫn là điểm nhấn và duy trì tăng trưởng.
“Nếu 10 năm trước, các gia đình phấn đấu đi du lịch 1 – 2 năm/lần, thì nay đã khác hẳn. Có nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Y duy trì mức độ đi du lịch 1 lần/2 tháng. Đây là khách hàng chính và sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường du lịch trong nước. Họ bỏ tiền để mua trải nghiệm chứ không phải mua sản phẩm đơn thuần. Do đó, các nhà điều hành, chủ đầu tư cần có những điều chỉnh về sản phẩm, tiếp thị theo phong cách, lối sống của nhóm khách hàng này”, bà Thủy Nguyễn nhấn mạnh.