Tại Hội thảo “10 năm thực thi Luật Cạnh tranh ở Việt Nam” tổ chức hôm qua (16/12) tại TP HCM, đại diện Ban chuyên trách pháp chế của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trong các vụ việc hạn chế cạnh tranh điển hình mà Hội đồng cạnh tranh nêu ra, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội có 2 vụ việc liên quan, cụ thể là vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của 19 doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới và Điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô từ năm 2008.
“Vụ việc này xảy ra khi Luật Cạnh tranh mới được áp dụng, nên thực sự là các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa nắm vững. Hơn nữa, nếu xét theo Luật Kinh doanh bảo hiểm thì các doanh nghiệp không vi phạm luật, vì thỏa thuận này không chỉ tốt cho thị trường (tránh sự cạnh tranh không lành mạnh) mà còn tốt cho cả khách hàng”, vị đại diện trên nói và cho rằng, thực tế trong lĩnh vực bảo hiểm cũng có một số sản phẩm bảo hiểm được cơ quan chức năng áp dụng giá trần.
Qua một số vụ việc mà các công ty bảo hiểm mắc phải, đại diện Ban chuyên trách pháp chế của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị, cần phải có sự đồng bộ giữa quy định của các sắc luật, nếu không doanh nghiệp đứng giữa sẽ không biết theo văn bản pháp luật nào. Vì như trong vụ việc trên, các doanh nghiệp bảo hiểm không hề vi phạm pháp luật về bảo hiểm mà còn làm lành mạnh tình hình cạnh tranh trên thị trường, giữ ổn định thị trường bảo hiểm…
Đồng cảm với quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, thời điểm trước khi lãi suất trên thị trường tăng cao, các ngân hàng cũng muốn thống nhất một mức lãi suất thấp hơn cho doanh nghiệp vay, nhưng khi tìm hiểu thì phát hiện, nếu thỏa thuận giảm lãi suất sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh. Vì vậy, các ngân hàng đều không dám thỏa thuận mà vẫn cho vay theo mức lãi suất cao như thị trường. Hay như việc thu phí các dịch vụ thẻ, nếu cơ quan quản lý đưa ra mức phí áp dụng cho dịch vụ thẻ tín dụng thì sẽ mang tính chất áp đặt, còn nếu doanh nghiệp thống nhất trên cơ sở tính toán các chi phí hợp lý hợp lệ thì lại vướng Luật Cạnh tranh.
“Ngăn ngừa hành vi thỏa thuận để cạnh tranh không lành mạnh là đúng, nhưng nếu sự thỏa thuận đó giúp ích cho khách hàng thì cũng là cần thiết”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thành viên Hội đồng cạnh tranh, tìm ra sự hài hòa tuyệt đối trong quy định của các luật là rất khó. Thực tế, sau khi Hội đồng cạnh tranh ra quyết định xử phạt 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cơ quan chức năng cũng đã phải xây dựng hẳn một phần đề cập đến việc cạnh tranh về giá trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Am Hiểu, chuyên gia dự án EU-Mutrap cho rằng, trong thực tế có nhiều lĩnh vực độc quyền nhưng lại không thể xét là vi phạm Luật Cạnh tranh. Chẳng hạn như việc xây dựng đường dây truyền tải điện. Việt Nam không đủ sức để xây dựng 5 - 7 đường dây để tránh độc quyền. Trên thế giới, nhiều nước cũng gặp phải vấn đề này nên chúng ta cũng phải có cách xử lý sao cho phù hợp.
Đề cập đến việc các chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh lo ngại, để tránh vi phạm luật cạnh tranh như các doanh nghiệp bảo hiểm đã từng vướng phải, một số doanh nghiệp khác có thể vẫn đồng nhất một mức giá dịch vụ hay sản phẩm nhưng chỉ là cùng nhau thỏa thuận miệng, ông Hiểu cho rằng, điều này cũng có thể xảy ra nhưng tính ràng buộc không cao nên cam kết dễ bị phá vỡ khi quyền lợi của một trong những thành viên không được đảm bảo.
“Sẽ có doanh nghiệp tố giác hành động này, vì thế chính sách khoan hồng rất có lợi trong Luật Cạnh tranh”, ông Hiểu nói và đề xuất, cần nâng cao tính độc lập của các cơ quan quản lý cạnh tranh tại Việt Nam, vì hiện nay các thành viên còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Tổng kết 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh ở Việt Nam, đại diện Vụ pháp chế, Bộ Công thương cho rằng, dù các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh còn ít, nhưng luật này đã có tác động không nhỏ đến việc giám sát các hành vi của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc cạnh tranh lành mạnh, chứ không còn “hồn nhiên” vi phạm luật