10 năm định hình một giải thưởng, nâng hạng doanh nghiệp, nâng hạng TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất được ra đời từ sự hợp sức của Sở GDCK TP. HCM, Báo Đầu tư Chứng khoán và Dragon Capital. Cuộc bình chọn chỉ “sinh sau” TTCK Việt Nam có 7 năm, nên những năm đầu tiên cũng non nớt, các DN cũng mới chập chững định hình sự minh bạch và cách thức thể hiện sự minh bạch. 
10 năm định hình một giải thưởng,  nâng hạng doanh nghiệp, nâng hạng TTCK Việt Nam

Năm 2012, khi Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt (ARA) nhất tròn 5 năm hiện diện, tôi đã từng chia sẻ một mong muốn: Chi phí làm báo cáo thường niên không lớn, các DN nhỏ nếu chú ý làm, vẫn có thể làm tốt sản phẩm này, để xây dựng niềm tin cho công chúng từ sự minh bạch.

Vào thời điểm đó (năm 2012), nền kinh tế Việt Nam nói chung, đời sống DN nói riêng, kể cả các DN niêm yết gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua Cuộc bình chọn, chúng tôi phát hiện ra rằng, những doanh nghiệp lớn, thương hiệu lâu đời, có đủ nguồn nhân lực thường làm báo cáo thường niên tốt hơn, đạt thứ hạng cao trong bình chọn. Doanh nghiệp nhỏ đầu tư cho báo cáo thường niên còn sơ sài, nên báo cáo chưa cung cấp đủ thông tin cần thiết cho nhà đầu tư. Cuộc bình chọn vì thế, ngoài việc tôn vinh các giá trị đẹp, chuẩn mực và sáng tạo, còn có mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa hai nhóm doanh nghiệp lớn và nhỏ, vì thực tế chi phí để làm báo cáo thường niên không lớn.

Hồi đó, chúng tôi từng trăn trở, phải chăng, doanh nghiệp bế tắc về chiến lược phát triển nên không có gì để nói với cổ đông, không có điều kiện để huy động vốn, để công bố thông tin… trong báo cáo thường niên?

Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngay cả khi điều kiện kinh doanh khó khăn, các DN cũng không nên vì khó khăn đó mà đầu tư làm báo cáo thường niên sơ sài. Quan trọng là nhận thức của ban lãnh đạo và sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo công ty tới công tác lập báo cáo thường niên, làm sao phải minh bạch, chân thực.

 TS. Trần Đắc Sinh trao kỷ niệm chương cho các đơn vị cùng tham gia hỗ trợ Cuộc bình chọn báo cáo thường niên 

Làm báo cáo thường niên chính là cơ hội để lãnh đạo DN có bức tranh thông tin đầy đủ về ngành, về bối cảnh kinh doanh và đặc biệt là về nội lực của DN, để từ đó hoạch định nên những giải pháp, những khát vọng phát triển ngắn và dài hạn. Nếu chỉ nghĩ làm báo cáo cho xong hay làm cho người khác đọc, người khác chấm thôi, thì thật lãng phí một cơ hội để DN tự đánh giá và tìm ra con đường.

Với cách tư duy như vậy, việc chấm báo cáo thường niên những năm sau đó tập trung sâu hơn vào những giá trị thông tin từ DN, thông tin về quản trị, về tư duy và tầm nhìn dài hạn của DN. Giải thưởng không chấm trên quy mô DN, hiệu quả kinh doanh của DN hay quá chú trọng đến hình thức trình bày của các báo cáo.

Năm 2017 là năm thứ 10, đánh dấu một chặng đường có ý nghĩa của Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên. Với 9 năm đồng hành cùng mùa giải, tôi nhận thấy giải thưởng càng ngày càng có chất lượng khi đi sâu vào quản trị công ty và phát triển bền vững.

Thông qua cuộc bình chọn, doanh nghiệp đại chúng nói chung và niêm yết nói riêng ngày càng minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn, và có những thay đổi mô hình quản trị và phát triển bền vững tốt hơn.

Đặc biệt thể hiện rõ qua chất lượng của các giải báo cáo thường niên trong 3-4 năm gần đây, tôi cho rằng nếu không có giải báo cáo thường niên vấn đề quản trị và minh bạch của doanh nghiệp sẽ không được như hiện nay.

Cuộc bình chọn báo cáo thường niên đốc thúc các DN phải minh bạch và chuyên nghiệp 

Để có được thành quả trên, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các đơn vị đồng hành tài trợ cho giải. Đặc biệt với Dragon Capital, với gần 25 năm hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Dragon Capital đã nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ với mong muốn giúp doanh nghiệp không chỉ làm ăn hiệu quả, hoạt động minh bạch mà còn có nền quản trị tốt theo thông lệ quốc tế.

Đây cũng là đơn vị cùng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đặt nền móng đầu tiên cho giải thưởng này. Cũng phải khẳng định, Báo Đầu tư Chứng khoán đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh tuyên truyền qua các mùa giải, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa tốt đến cộng đồng doanh nghiệp niêm yết hiểu được tầm quan trọng của báo cáo thường niên cũng như báo cáo phát triển bền vững.

Từ năm 2017, Hội đồng bắt đầu chấm báo cáo thường niên bằng bản mềm, tuy nhỏ nhưng thể hiện được định hướng cuộc bình chọn về phát triển bền vững.

Việc xây dựng chỉ số phát triển bền vững đã được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ấp ủ từ lâu và tôi được biết sắp tới, chỉ số của 20 công ty đi đầu trong phát triển bền vững sẽ chính thức ra mắt, với sự phối hợp của tổ chức GIZ (Đức).

Đây là nhóm công ty rất quan trọng, không chỉ đại diện cho chất lượng quản trị, mà còn là điển hình cho xu hướng phát triển bền vững, hướng các DN đại chúng khác cùng làm. Theo tôi, đây là hướng cần phát huy hơn nữa của ARA trong các năm tới.

Tôi cho rằng các mùa giải sắp tới nên tiếp tục nâng dần các chuẩn mực về quản trị công ty, đề ra thang điểm tốt hơn sát với các thông lệ quản trị theo IFC, OECD để giải không chỉ chất lượng hơn, mà còn thu hút quan tâm của tổ chức định chế quốc tế. Điều mong mỏi và cũng là giá trị cốt lõi của ARA là giúp các DN niêm yết, DN đại chúng nâng hạng chính mình, từ đó góp sức vào quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam.

TS. Trần Đắc Sinh, Nguyên Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM
Đặc san Báo cáo thường niên 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục