10 điểm sáng của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, đã đóng góp cho những thành tựu chung của đất nước, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín ngày càng cao của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, đất nước ta đã đi qua 1/3 chặng đường thực hiện Chiến lược 10 năm, hơn nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch 5 năm theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Do vậy, đây là thời điểm quan trọng, để toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê cùng nhìn lại những gì đã làm được, chưa làm được như kỳ vọng trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua. Không chỉ thế, đây cũng là lúc rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời bám sát bối cảnh, tình hình, thách thức mới đặt ra và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, ưu tiên của ngành trong thời gian tới.

Ở bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động đã tác động không nhỏ, trong cả trước mắt và lâu dài đến nền kinh tế của cả nước và các địa phương, nhưng chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong năm 2023.

Trong đó, có những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam, tạo vận hội, thời cơ, thuận lợi mới để cả nước chuyển mình theo các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra "Đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Về kết quả nổi bật trong năm 2023 và những năm gần đây của ngành Kế hoạch - Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khái quát 10 điểm sáng:

1. Phát triển hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương ở cả hiện tại và tương lai.

Ví dụ như trong quy hoạch, Bộ đã kiên định, kiên trì trình Quốc hội qua 3 Kỳ họp để ban hành Luật Quy hoạch. Cắt giảm hơn 20.000 quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 01 quy hoạch tỉnh duy nhất.

Qua đó, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, tổ chức lại không gian phát triển của các ngành và địa phương; vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.

2. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được nâng lên, tăng trưởng được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhờ nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, Bộ đã chủ động, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Bởi vậy, mặc dù tăng trưởng trong năm 2023 đạt 5,05%, chưa đạt mục tiêu đề ra, song cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực.

Ngành cũng đã phát huy hiệu quả vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhiều địa phương tiếp tục đạt được nhiều kết quả rất tích cực trong tăng trưởng, thu hút đầu tư… như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh…

3. Thực hiện 03 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả rõ nét. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tạo điều kiện để các ngành, các địa phương phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, phù hợp với bối cảnh, tình hình và yêu cầu thực tiễn đặt ra.

4. Hoàn thành mục tiêu cơ bản trình, phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023, tạo không gian mới, động lực tăng trưởng mới, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương trong trung và dài hạn.

5. Tạo bước đột phá về thể chế liên kết vùng, thành lập và tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng, tạo các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.

6. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả giải ngân hàng tháng, hàng quý luôn cao hơn so với cùng kỳ cả về số tương đối và tuyệt đối. Tổ chức các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đoàn làm việc của Thành viên Chính phủ, các tổ công tác tại địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong triển khai các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng, đường cao tốc, ven biển, liên vùng.

7. Triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, đặc biệt là cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.

8. Vị trí, vai trò của nước ta trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt khoảng 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%. Không chỉ thế chúng ta còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada… và trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới.

9. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành kinh tế mới như sản xuất chíp, bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài… để phát huy tốt hơn cơ hội từ cạnh tranh chiến lược nước lớn, chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu, các FTA, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn.

10. Hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín và mở ra những cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển đất nước. Hợp tác Vành đai con đường, các hoạt động ngoại giao với Lào, Campuchia, các nước lưu vực sông Mê kông… tiếp tục được đẩy mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định: "Đây là những kết quả quan trọng, không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mà còn nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, cải thiện rõ nét các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai. Những kết quả của nền kinh tế cũng phản ánh sự đóng góp quan trọng của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những thành tựu ngày hôm nay của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là kết quả của quá trình kiên trì đổi mới, là sự kết hợp giữa bản lĩnh, trí tuệ, tư duy đột phá và sự kiên định đến cùng đối với những tham mưu đúng đắn".

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục