Đầu tháng 2, một kênh YouTube tại Việt Nam với hơn hai triệu lượt đăng ký, đã đăng video với nội dung "giả vờ nhiễm corona để xem phản ứng của người thân". Chỉ sau hai ngày đăng tải, video đã thu về hơn 200 nghìn lượt xem. Trong video, YouTuber này đã ghi lại cả quá trình chuẩn bị để có những triệu chứng giống như nhiễm cúm, thậm chí có cả cảnh người thân gọi đến cơ quan y tế để nhờ tư vấn.
Trước đó vài ngày, một kênh YouTube với 1,1 triệu lượt đăng ký cũng đăng video với tiêu đề tương tự. Mặc dù nội dung chính là chia sẻ video chơi game, người này lại "câu view" bằng cách đặt tiêu đề và phần mở đầu với nội dung "giả vờ nhiễm virus corona". Sau bốn ngày, video đạt 700 nghìn lượt xem với hàng nghìn bình luận.
Gần đây, video về dịch viêm phổi do virus corona liên tục xuất hiện trên nền tảng YouTube tại Việt Nam. Bên cạnh chia sẻ thông tin về dịch bệnh hay cách phòng tránh, có một phần không nhỏ mang nội dung đùa cợt, lợi dụng sự quan tâm của người dùng Internet để "câu view". Việc làm này đang vấp phải sự phản đối của không ít người làm YouTube nghiêm túc.
"Việc làm các nội dung ‘bắt trend’ không xấu, tuy nhiên trong bối cảnh virus corona đang gây nên một dịch bệnh nguy hiểm, các video thiếu nghiêm túc thế này dễ tạo trào lưu lệch lạc, ảnh hưởng đến cộng đồng", Nguyễn Huyền, một người làm YouTube tại Hà Nội chia sẻ. Theo Huyền, các video dạng này không mang lại nhiều giá trị.
Trong phần bình luận, nhiều người xem cũng tỏ ra bất bình, đồng thời có lời cảnh cáo người làm YouTube. "Cứ giả vờ kiểu này, đến khi bị thật cũng chẳng ai tin", tài khoản Mai Trần bình luận. "Chuyện dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng hàng trăm người, vậy mà anh mang ra làm trò đùa. Anh nên xóa video này đi", tài khoản Bích Ngân viết.
Mới đây, một YouTuber tại Trà Vinh còn chia sẻ lại các nội dung liên quan đến ăn thịt dơi. Các video này được đăng từ lâu, nhưng mới đổi tiêu đề để có từ khóa "corona". Video có hơn 7 nghìn lượt xem nhưng nhận về gần 3 nghìn lượt dislike. Một số YouTuber khác cũng làm nội dung "câu view" nhờ dịch bệnh liên quan đến virus corona, nhưng sau đó phải xóa do phản ứng từ cộng đồng.
Theo Nguyễn Thắng, một chuyên gia về YouTube tại TP.HCM, các video với nội dung trên có thể không vi phạm một điều luật cụ thể nào của YouTube, nhưng nếu thấy đó là một nội dung không tốt, người dùng có thể dùng tính năng report để YouTube xem xét xử lý.
Trong chính sách của mình, YouTube cấm các hành vi bạo lực, hoặc khuyến khích người khác làm việc nguy hiểm, các nội dung gây sốc hoặc khiến người xem cảm thấy ghê sợ.
Theo chỉ thị về phòng chống dịch nCoV của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ra ngày 2/2, Việt Nam sẽ yêu cầu Facebook, Google ngăn chặn, gỡ video, bài cùng các tài khoản đăng sai sự thật về dịch nCoV. Những tài khoản tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận và gây khó khăn cho việc chống dịch sẽ bị xử lý.