Yếu tố phi tài chính: Mặt sấp của đồng xu

(ĐTCK) Vừa kêu khách ngồi đợi 5 phút để giải quyết nốt mấy việc gấp, ông Chủ tịch một tập đoàn tư nhân nọ vừa ký một xấp giấy tờ, công văn, phiếu thu… Ông phân trần, ngày nào cũng phải ký cả tập giấy tờ dày gần 2 gang tay như thế.
Quản lý tốt các vấn đề phi tài chính đóng vai trò “bệ đỡ” cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Quản lý tốt các vấn đề phi tài chính đóng vai trò “bệ đỡ” cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Những cách quản trị có vấn đề

Vốn là một chuyên gia sắc sảo về quản trị công ty tại nước ngoài, đã có hơn 40 năm điều hành, quản trị các tập đoàn lớn trên thế giới, vị khách khẽ cười và nói “ông Chủ tịch vất vả quá”.

Trong câu chuyện với người viết, vị chuyên gia kể rằng, nhìn vào cung cách quản trị đó, nhìn vào cung cách Công ty chỉ quản lý sản phẩm trong phạm vi tới hàng rào nhà máy, ông tin chắc, sớm hay muộn doanh nghiệp sẽ có chuyện.

6 tháng sau, một sự cố nổi đình nổi đám đã xảy ra, liên quan đến chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Sản lượng sản xuất và doanh thu bán hàng của doanh nghiệp giảm hơn một nửa trong vòng 2-3 tháng. Đó có thể là đòn đánh “chơi” nhau của các đối thủ, nhưng cung cách quản trị chất lượng sản phẩm và phương thức quản lý kênh phân phối của doanh nghiệp đã khiến scandal ngày càng lan rộng và khó có thể “thanh minh” với người tiêu dùng.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 cũng có những nhà đầu tư, công ty chứng khoán thua đau vì không nắm được, không chú ý và không quan tâm tới các yếu tố phi tài chính của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có thành tích kinh doanh nghèo nàn trước khi niêm yết, lên sàn, doanh nghiệp phát hành thêm ra công chúng, nhưng cổ đông hiện hữu chả ai mua.

Cổ phiếu ế được phân phối cho 5-7 nhà đầu tư cá nhân. Rồi sau đó, giá cổ phiếu tăng vù vù, tin tốt về doanh nghiệp cứ lần lượt được công bố, nhưng không có nguồn kiểm chứng. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng đẹp dần lên.

Nhiều công ty chứng khoán dễ dàng cho vay ký quỹ cổ phiếu trên. Một ngày nọ, giá cổ phiếu liên tục rớt sàn, công ty chứng khoán cuống cuồng bán giải chấp mà không xong, nhà đầu tư bỏ chứng khoán, điện thoại không liên lạc được. Chủ nợ chỉ còn cách “ngậm đắng nuốt cay”, tự trách mình.

Nói về câu chuyện quản trị rủi ro trong cho vay ký quỹ, tổng giám đốc một công ty chứng khoán trong top 10 môi giới 2 sàn cho biết, khi cấp dưới trình bổ sung danh sách cổ phiếu cho vay ký quỹ, nhất định ông phải biết về những doanh nghiệp đó, nếu không cũng phải có kênh để kiểm tra thông tin về doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin phi tài chính như thân thế lãnh đạo công ty, tiếng tốt-tiếng xấu trên thị trường, lịch sử làm ăn kinh doanh…

Nếu không kiểm chứng tốt các yếu tố phi tài chính nói trên, khó trách công ty chứng khoán ôm phải các cổ phiếu có giá trị… chỉ 500 đồng/CP (chi phí mà vị tổng giám đốc này ước lượng bên phát hành bỏ ra để phát hành được lô cổ phần đó).

Yếu tố phi tài chính: Mặt sấp của đồng xu ảnh 1

 Ảnh: Internet

Một doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HOSE hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng lại có vấn đề lớn trong cơ cấu quản trị doanh nghiệp. Ông chồng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc dù đã đồng ý một kế hoạch nào đó do bộ phận bên dưới trình lên, song đều phải qua một cửa khác là “có ý kiến của phu nhân Chủ tịch”.

Tướng bà mà không đồng ý, các bộ phận bên dưới phải làm lại kế hoạch từ đầu. Vậy hỏi sao không qua cửa tướng bà trước khi sang trình tướng ông, nhân viên cho biết, quy định của công ty là “không được đảo ngược quy trình”.

Vài ví dụ trên để thấy, bên cạnh các yếu tố tài chính xuất hiện trong báo cáo của các doanh nghiệp, yếu tố phi tài chính đôi khi còn quan trọng hơn rất nhiều với các nhà đầu tư.

Trở lại câu chuyện với vị chuyên gia ở phần đầu bài viết, ông nói rằng, đến một doanh nghiệp nào đó, chỉ cần nhìn cung cách nhân viên đi lại trong văn phòng, cung cách họ làm việc và tán chuyện với nhau, là ông sẽ biết được cách thức quản trị công ty đó. Những nhà đầu tư tài chính hay chiến lược ít khi bỏ qua các yếu tố tưởng chừng không có gì quan trọng này.

Bởi vậy, khi thực tế tại doanh nghiệp, họ thường la cà tới xưởng sản xuất, trò chuyện với anh bảo vệ, thăm khu bếp ăn tập thể…, thay vì chỉ ngồi máy lạnh đàm phán với các ông/bà chủ tịch.

Đây có thể là lý do mà một hội thảo có tên “Các vấn đề phi tài chính của doanh nghiệp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư” do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và một số đối tác quốc tế phối hợp tổ chức từng thu hút rất đông khách tham dự.

Bệ đỡ hút và giữ vốn đầu tư

Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC, để thu hút các nguồn vốn đầu tư, niêm yết thành công, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng yếu tố tài chính, mà còn phải quan tâm cả các vấn đề phi tài chính như quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, việc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành…

Tại Hội thảo, ông Simon Lim Yong Hiang, Giám đốc phụ trách Marketing và phát triển kinh doanh Khối Doanh nghiệp niêm yết, đại diện của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore cho biết, quản lý tốt các vấn đề phi tài chính đóng vai trò “bệ đỡ” cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bởi nó giúp các nhà đầu tư tiềm năng yên tâm hơn khi cân nhắc việc đầu tư vào doanh nghiệp. Quản trị doanh nghiệp tốt, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ thu hút được vốn, mà quan trọng hơn, còn duy trì nguồn đầu tư cho doanh nghiệp của mình.

Không chỉ minh bạch thông tin các con số tài chính, các yếu tố phi tài chính cũng cần được truyền thông rộng rãi đến nhà đầu tư nếu doanh nghiệp muốn IPO thành công. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong buổi hội thảo về công tác cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp do Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức đầu tháng 7 vừa qua.

Yếu tố phi tài chính: Mặt sấp của đồng xu ảnh 2

Theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, Công ty có ROE đạt 10,43% và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 9,17%.

Công suất Nhà máy liên tục tăng, nhưng tiêu thụ năng lượng nội bộ ngày càng giảm. Chỉ số EII (tỷ lệ giữa tiêu thụ năng lượng thực tế và năng lượng tiêu chuẩn của NMLD) từ năm 2016 của Nhà máy đã nằm trong nhóm 3 các nhà máy lọc dầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước đó thuộc nhóm 4.

Các chỉ số tin cậy thiết bị, tin cậy vận hành, hệ số lưu chuyển của dòng công nghệ trong hệ thống MA, OA, OSF cũng tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tính từ năm 2010 đến nay, BSR đã tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí khoảng 3.499 tỷ đồng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, kế hoạch kinh doanh là điểm mấu chốt nhà đầu tư quan tâm. Ông cũng nhấn mạnh, khả năng quản trị quyết định tính sống còn của doanh nghiệp sau IPO.

TS. Võ Trí Thành nhận định, DN cần chú ý vào 4 giá trị và truyền thông được ra thị trường những giá trị này, bao gồm: Quản trị, thương hiệu, công nghệ và chiến lược.

“Ở các nước trong khu vực, doanh nghiệp rất quan tâm đến các yếu tố phi tài chính và có có năng lực quản trị yếu tố này rất tốt, chẳng hạn như Thái Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam nên học tập. Đơn cử, tổng giám đốc phải hành xử theo thị trường, chứ không phải là một công chức”, ông Thành nêu quan điểm.

Không doanh nghiệp nào muốn bị quên lãng trên thị trường. Có nhiều yếu tố để một doanh nghiệp thành công trên thị trường vốn, nhưng rõ ràng, những chuyển động gần đây ở thị trường Việt Nam cho thấy, những doanh nghiệp chỉ chăm chú vào các con số sản xuất, kinh doanh chưa hẳn đã gặt hái được thành công.

Anh Việt
Đặc san Báo cáo thường niên 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục