Yếu tố nào quyết định 70% lợi nhuận trong đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay cả với tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, cần 5 chuyên gia phân tích và 5 luật sự mới có thể thực hiện một thương vụ trái phiếu, thì nhà đầu tư khó có thể thực hiện việc phân tích, lựa chọn đầu tư một mình. Đây là lý do cần có các cố vấn tài chính độc lập đồng hành cùng nhà đầu tư cá nhân.
Yếu tố nào quyết định 70% lợi nhuận trong đầu tư?

Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 8/8, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI (PVIAM) đã có chia sẻ về quản lý tài sản và đầu tư từ góc nhìn của quỹ đầu tư, cũng như kinh nghiệm đối với nhà đầu tư cá nhân.

Theo bà Giao, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều có cơ hội. Nền kinh tế vận động theo chu kỳ. Tất cả bài học về suy thoái, tăng trưởng đã lặp lại nhiều lần, tuy có biến số mới khiến chuyện đoán định trở nên phức tạp, nhưng vẫn có chu kỳ.

“PVIAM là công ty quản lý quỹ, đồng thời cũng là đơn vị đang quản lý nguồn tiền của hệ thống các công ty thuộc PVI, bao gồm việc lên kế hoạch tài chính và chịu trách nhiệm kế hoạch đầu tư. Chúng tôi không đo lường hiệu quả bằng việc sẽ tăng trưởng bao nhiêu trong tháng này, năm này, mà phải có hoạch định tài chính cụ thể. Với các cá nhân cũng vậy, mỗi người/mỗi gia đình đều có các mốc thời gian 5-10 năm, hoặc các mốc mục tiêu tài chính như mua nhà, cho con du học, nghỉ hưu… Theo đó, có thể đặt ra mục tiêu lợi nhuận trong từng giai đoạn là bao nhiêu, tuỳ theo đặc thù của mỗi doanh nghiệp/cá nhân. Chẳng hạn, với ngành bảo hiểm, chúng tôi phải có tiền mặt ở mức cao để đảm bảo thanh khoản và hoạt động chi trả…”, bà Giao cho biết.

Một vấn đề quan trọng trong hoạch định tài chính là quản lý tài sản nợ - có. Với các cá nhân, đây là việc cần xác định bản thân có khoản nợ thế nào, có khoản định chi ra sao. Theo đó, trước tiên phải đáp ứng hết các nghĩa vụ này rồi mới tính tới các khoản đầu tư và lợi nhuận mục tiêu, từ đó cơ cấu tài sản và định hướng thực hiện.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ PVI (PVIAM)

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ PVI (PVIAM)

“Khi tìm cơ hội, cần chú ý tới các lớp tài sản. Chẳng hạn, khi khủng hoảng trái phiếu diễn ra thì lãi suất tiết kiệm ở mức cao. Chúng tôi nhìn vào xu hướng thị trường và chuyển dịch. Thông thường tiền gửi chỉ ở mức 50% nhưng vào thời điểm lãi suất lên tới 12%/năm, lượng tiền gửi có thể lên tới 70% nguồn tiền…”, bà Giao nói và nhấn mạnh, 70% lợi nhuận kiếm được từ đầu tư là từ chuyển dịch cơ cấu tài sản. 30% còn lại là vấn đề kỹ thuật (chọn ngành, chọn cổ phiếu…). Theo đó cần chú ý vĩ mô để chuyển dịch tài sản đầu tư một cách hợp lý.

Đáng chú ý, với nhà đầu tư các nhân trên thị trường, sự đồng hành của các cố vấn tài chính, chuyên gia tài chính có năng lực là rất cần thiết. Theo bà Giao, ngay cả với tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, cần 5 chuyên gia phân tích và 5 luật sư mới có thể thực hiện một thương vụ trái phiếu, thì nhà đầu tư khó có thể thực hiện việc phân tích, lựa chọn đầu tư một mình.

“Ở thị trường nước ngoài có sự phân định rõ ràng, ở mỗi mức tài sản bao nhiêu thì sẽ có cố vấn tài chính với mức độ năng lực tương ứng. Những cố vấn tại các bộ phận như ngân hàng ưu tiên, quản lý tài sản triệu đô luôn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao, đạt được các bằng cấp cụ thể mỗi năm…”, bà Giao cho biết.

Đây chính là phần mà thị trường tài chính Việt Nam đang thiếu và nhà quản lý cần biện pháp để quản lý, chuẩn hoá năng lực, đảm bảo.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục