Yếu tố nào hỗ trợ thị trường tháng 10?

(ĐTCK-online) Tính tới thời điểm cuối tháng 9, dòng tiền vẫn tiếp tục đứng ngoài thị trường chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn.
Một phần nguồn tiền từ thị trường vàng có thể quay trở lại TTCK - Ảnh: Hoài Nam Một phần nguồn tiền từ thị trường vàng có thể quay trở lại TTCK - Ảnh: Hoài Nam

Mặc dù nhiều NĐT kỳ vọng vào sự khởi sắc của VN-Index trong quý IV, nhưng chúng tôi nhận định cơ hội bứt phá ít có khả năng xảy ra ngay trong tháng 10, do những nguyên nhân sau:

(i) Thông tư 13/2010/TT-NHNN hầu như không được sửa đổi so với kỳ vọng của NĐT, do đó ít có khả năng tạo đột biến về chính sách tiền tệ trong ngắn hạn;

(ii) GDP quý III tăng trưởng đạt mức tích cực 7,16% trong điều kiện lạm phát cao trong tháng 9 (1,13%), đặt dấu hỏi đối với chất lượng tăng trưởng thực;

(iii) dòng tiền chủ yếu đổ về các dự án lớn như Dung Quất hay để xử lý tình hình tài chính của Vinashin, nên doanh nghiệp và thị trường tài chính chưa thực sự có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào, khơi thông nguồn cung tiền trong ngắn hạn;

(iv) báo cáo tài chính quý III chưa xuất hiện các tín hiệu lạc quan, do thông thường, các doanh nghiệp làm ăn tốt có xu hướng công bố báo cáo hàng tháng hoặc sớm đưa ra ước tính về kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng. Trong điều kiện thị trường ảm đạm, giao dịch trầm lắng, NĐT ngắn hạn sẽ quay trở lại tìm kiếm cơ hội từ các thông tin có tính chất “đột biến”. Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý III có khả năng trở thành điểm sáng của thị trường tháng 10.

 

TTCK tháng 10 nhìn chung chịu tác động của các yếu tố sau:

Sửa đổi Thông tư 13 không mang lại đột phá về dòng tiền vào thị trường như kỳ vọng.

Chúng tôi quan sát trong tháng 9, một bộ phận không nhỏ NĐT sẵn sàng giải ngân ngay sau khi có tín hiệu Thông tư 13 được sửa đổi. Tuy nhiên, thị trường chỉ khởi sắc nhẹ trong phiên giao dịch ngày 28/9, sau đó điều chỉnh, cho thấy nội dung sửa đổi không đáp ứng kỳ vọng của NĐT. Nhìn lại thị trường tháng 9, thực tế NĐT kỳ vọng vào các yếu tố nào?

(i) Kỳ vọng vào khả năng sử dụng nhiều hơn nguồn vốn huy động để cho vay.

(ii) Kỳ vọng về tín hiệu cho phép sử dụng linh hoạt hơn nguồn vốn từ thị trường mở và thị trường liên ngân hàng vào mục đích cho vay.

(iii) Kỳ vọng vào việc thay đổi hệ số rủi ro của các khoản đầu tư chứng khoán và bất động sản đối với các tổ chức tín dụng, góp phần đưa dòng tiền quay trở lại hai thị trường tiềm năng này.

Việc sửa đổi Thông tư 13 chỉ đáp ứng kỳ vọng (i), trong khi (ii) và (iii) mới được NĐT quan tâm nhất, đặc biệt là kỳ vọng (ii) vốn được coi là “nút thắt cổ chai” đối với chính sách nới lỏng tiền tệ trong nhiều tháng qua. Do vậy, chúng tôi không lạc quan về sự đột phá của dòng tiền mới ngay trong tháng 10 do Thông tư 13 có hiệu lực.

 

Áp lực lạm phát tiềm ẩn trong quý IV, thu hẹp cơ hội tăng trưởng tín dụng

Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, với việc lạm phát được kiểm soát tốt, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn không có hành động mạnh tay nào đưa tín dụng vào nền kinh tế, thì cơ hội dường như đã khép lại trong quý IV khi lạm phát quay trở lại, tạo áp lực lên nền kinh tế. Lạm phát tháng 9 ở mức 1,13% là tín hiệu không tích cực cho 3 tháng còn lại của năm 2010. Trong tháng 10 cũng như quý IV, chúng tôi không kỳ vọng vào khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ và đột biến về cung tiền, nên TTCK không có nhiều cơ hội tiếp cận dòng tiền mới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đánh giá thấp tầm quan trọng của dòng tiền cũ đang đứng ngoài thị trường chờ cơ hội và nguồn tài chính từ các tổ chức phi ngân hàng. Trong điều kiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ấn tượng và/hoặc thị trường được đánh giá ở mức hấp dẫn, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều khả năng tăng tốc từ chính dòng tiền đang chờ đợi thời cơ từ các NĐT cá nhân.

 

Dòng tiền có bị ảnh hưởng từ thị trường vàng và mặt bằng lãi suất chưa có dấu hiệu giảm trong ngắn hạn?

Sau hàng loạt quyết định và sự kiện như Thông tư 13 được sửa đổi không đáng kể, lãi suất cơ bản được giữ nguyên, lạm phát tăng cao…, cánh cửa giảm lãi suất cho vay gần như đã đóng lại. Điều này có nghĩa là, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay ngân hàng năm nay khó có khả năng tăng trưởng tốt hơn năm 2009, khi kinh tế vĩ mô chưa thực sự khởi sắc và nguồn vốn bị thu hẹp với chi phí cao.

Một hiện tượng đáng chú ý khác là khi dòng tiền đứng ngoài thị trường tháng 9 và thị trường vàng có “sóng” khi liên tục lập đỉnh cao mới, thì một phần vốn không nhỏ từ TTCK có thể được phân bổ sang thị trường vàng. Trong khi đó, NĐT nhìn chung không có xu hướng giữ quá nhiều tiền mặt. Tuy nhiên, với mức độ tăng “nóng” như hiện nay, rất có thể NĐT sẽ bán vàng ra để thu hồi vốn trong ngắn hạn trước khi thị trường vàng điều chỉnh. Nếu giá vàng không biến động mạnh trong thời gian tới, một phần nguồn tiền từ thị trường vàng có thể quay trở lại TTCK để tìm kiếm các cơ hội từ kết quả kinh doanh quý III. Đây là một trong các nguyên nhân chúng tôi kỳ vọng vào cơ hội gia tăng thanh khoản của thị trường tháng 10.  

Cơ hội từ kết quả kinh doanh quý III?

Mặc dù tăng trưởng GDP quý III vẫn đạt mục tiêu đề ra, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III khó có khả năng gây đột biến, thậm chí còn có nguy cơ tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2009 do những nguyên nhân sau:

(i) Nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong điều kiện chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Thống kê tăng trưởng GDP không phản ánh đầy đủ những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải trong việc tiếp cận nguồn vốn giá hợp lý hơn. So với quý III/2009, tăng trưởng tín dụng quý III/2010 có khả năng chưa bằng 50%, nên cơ hội để các doanh nghiệp đầu ngành mở rộng sản xuất - kinh doanh là không lớn.

(ii) Thị trường tài chính ảm đạm, tuy không giảm sâu nhưng hầu như không tăng trưởng và thanh khoản thấp. Các công ty có tỷ trọng đầu tư tài chính lớn trên thị trường niêm yết trong cơ cấu lợi nhuận như công ty chứng khoán, ngân hàng, dịch vụ tài chính, bảo hiểm…, sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

(iii) Thị trường bất động sản “đóng băng” trong khu vực miền Nam và trầm lắng hơn trong khu vực phía Bắc cũng ít nhiều ảnh hưởng tới các công ty thuộc nhóm ngành này, nhất là các công ty dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường trong quý III và quý IV. Tuy nhiên, các công ty bất động sản đã bán hàng trong các quý trước đó, nhưng chưa ghi nhận doanh thu, sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

(iv) Trong các quý mà kết quả hoạt động kinh doanh khởi sắc, doanh nghiệp thường có xu hướng công bố ước tính 8 hoặc 9 tháng đầu năm khá sớm. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9, có rất ít tin tức tích cực về kết quả kinh doanh quý III.

(v) Trong điều kiện thị trường trầm lắng như hiện nay và giá cổ phiếu của nhiều mã đã giảm sâu, doanh nghiệp cũng ít mặn mà ghi nhận sớm doanh thu và lợi nhuận, do kết quả khả quan của một vài công ty cũng không có khả năng thay đổi được bức tranh chung của toàn bộ thị trường. Các doanh nghiệp có xu hướng “dồn” lợi nhuận vào quý IV nên đây là cơ hội của nhóm NĐT trung hạn, hướng đến các mã có tiềm năng trong cả năm 2010 hơn là chỉ dựa vào kết quả kinh doanh đơn thuần của quý III.

Trong quý III, chúng tôi kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của nhóm ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng, phát hành sách, các công ty cao su tự nhiên và nhóm ngành dược phẩm so với mặt bằng tăng trưởng chung.

 

Thị trường đang ở điểm cân bằng ngắn hạn?

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không có biến động như trong tháng 9, mức 440 - 460 của VN-Index được đánh giá là khá bền vững. Dựa trên phân tích cơ bản, chúng tôi đánh giá thị trường tháng 10 diễn biến theo xu hướng sau:

Kênh 440 - 460 tiếp tục là kênh nhạy cảm trong điều kiện kinh tế vĩ mô được dự đoán không tiềm ẩn các yếu tố bất ngờ. Kỳ vọng của NĐT hầu hết đã được giải đáp ngay trong tháng 9. Xuống thấp hơn mức 440, thị trường được đánh giá là hấp dẫn để mua vào, trong khi mức 460 có thể được coi là an toàn để chốt lời trong điều kiện thị trường khó khăn như trong giai đoạn hiện nay.

Thanh khoản có thể được cải thiện tốt hơn mặt bằng tháng 9. Mặc dù báo cáo tài chính quý III không được NĐT quá kỳ vọng, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng và thu hút sự chú ý của NĐT. Phân hóa cổ phiếu và phân hóa nhóm ngành thường diễn ra mạnh hơn trong các tháng mà kết quả kinh doanh hàng quý của DN được công bố. Tuy nhiên, thanh khoản khó có khả năng đột biến nếu kênh 440 - 460 không bị phá vỡ mạnh mẽ.

Dự báo tăng trưởng tín dụng, lạm phát và VN-Index quý IV

Yếu tố nào hỗ trợ thị trường tháng 10? ảnh 1

Nguyến Việt Hùng, Khối Phân tích - Đầu tư, CTCP Chứng khoán SME
Nguyến Việt Hùng, Khối Phân tích - Đầu tư, CTCP Chứng khoán SME

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ