UBND thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ chấp hành tự giác tháo dỡ triệt để đối với 48 công trình có kết cấu bán kiên cố (mái che, sàn sân vườn…) phát sinh trong quá trình sử dụng.
Trường hợp không chấp hành sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời, UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu Công ty này chấp hành đình chỉ thi công các công trình xây dựng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng tại khu vực Dự án Khu du lịch Nam Hồ.
Công ty cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ khẩn trương liên hệ cơ quan có thẩm quyền để lập các thủ tục, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết, chuyển đổi mục đích sử dụng đất bổ sung và lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định.
“Trường hợp các hạng mục, công trình không được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh giấy phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải tự giác tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm hoặc các hạng mục công trình không phù hợp theo giấy phép xây dựng được cấp. Nếu quá thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng của cơ quan chức năng, trường hợp không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh và không tự giác tháo dỡ công trình, hạng mục công trình sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ và chịu kinh phí cưỡng chế tháo dỡ theo quy định”, UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu.
UBND thành phố Đà Lạt chỉ đạo UBND phường 11 khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các hạng mục vi phạm và lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 37 công trình tại Dự án Khu du lịch Nam Hồ. Đây là những công trình xây dựng sai giấy phép xây dựng.
UBND phường 11 khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố Đà Lạt ban hành Quyết định cưỡng chế đối với các công trình vi phạm theo 3 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành; theo dõi, giám sát và yêu cầu chủ đầu tư tự giác tháo dỡ triệt để đối với 48 công trình phụ có kết cấu bán kiên cố (mái che, sàn sân vườn…) phát sinh trong quá trình sử dụng; không để xảy ra việc xây dựng công trình, hạng mục công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; trường hợp chủ đầu tư tiếp tục có hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng phải kịp thời lập hồ sơ xử lý và thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về trật tự xây dựng theo quy định của pháp luật, trình UBND thành phố Đà Lạt (thông qua Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt) để xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ. Theo đó, Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ đã thực hiện hành vi chuyển 1,43 ha đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên sang mục đích khác (đất phi nông nghiệp) mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép để xây dựng các công trình thuộc Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hồ tại Tiểu khu 151, phường 11, thành phố Đà Lạt.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, mức phạt tiền đối với hành vi này là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, số tiền phạt đối với Công ty cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ là 300 triệu đồng.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng buộc Công ty cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là hơn 3,9 tỷ đồng. Công ty cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ có trụ sở tại phường 15, quận 10, TP.HCM, do ông Nguyễn Thành Thạnh làm Giám đốc.
Hàng loạt sai phạm
Ngày 18/11/2022, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã ban hành KLTT số 97/KL-TTr về việc thanh tra toàn diện việc lập dự án, quá trình đầu tư và khai thác sử dụng tại Dự án Khu du lịch Nam Hồ của Công ty cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ (gọi tắt là Công ty Nam Hồ).
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc thực hiện dự án của Công ty Nam Hồ có 3 sai phạm chủ yếu gồm: Sử dụng không đúng công năng tại khu thương mại dịch vụ; xây dựng không phép, sai phép so với giấy phép xây dựng được cấp.
Quá trình thực hiện dự án, Công ty Nam Hồ đã 2 lần được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, 2 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng mặt bằng. Dự án kéo dài qua nhiều năm (gia hạn 5 lần) thể hiện sự yếu kém trong công tác đầu tư cũng như năng lực tài chính của công ty.
Ngoài ra, dự án có dấu hiệu hoạt động không đúng theo mục tiêu đầu tư là khu nghỉ dưỡng hiện đại, có quy mô phục vụ từ 200 - 300 khách lưu trú và 500 - 1.000 khách vãng lai/ngày, đêm nhằm thu hút khách du lịch vào Lâm Đồng, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Qua thanh tra cho thấy, tiến độ thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, đến tháng 6/2010 hoàn thành đưa các công trình vào hoạt động. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 6/2022, dự án này vẫn chưa hoàn thành tiến độ.
Bên cạnh đó, khu trung tâm thương mại dịch vụ hiện nay được xây dựng chia thành 15 căn hộ, khu trà hoa viên là 12 biệt thự, khu ẩm thực là 3 biệt thự không có dấu hiệu hoạt động theo đúng công năng và mục tiêu của dự án. Một số công trình có dấu hiệu người ở cư trú lâu dài, không hoạt động kinh doanh du lịch và có 2 công trình rao bán trên mạng Internet.
Tại thời điểm thanh tra, công ty đã xây dựng 93 công trình có mái che lệch và nằm ngoài so với vị trí đã được chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể, có 38 công trình ngoài, 55 công trình lệch một phần so với vị trí chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra tại dự án này, xây dựng 4 căn nhà tạm trên đất lâm nghiệp, xây dựng công trình không có mái che tăng 3.827m2 so với diện tích đã chuyển mục đích sử dụng đất.
Tại kết luận, thanh tra chỉ rõ Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho công ty, nhưng các giấy chứng nhận này không thể hiện thời hạn sở hữu công trình. Điều này cho thấy, việc này chưa đúng với quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quá trình thực hiện dự án, Sở Xây dựng đã cấp 27 giấy phép xây dựng cho 95 công trình tại dự án. Việc Sở Xây dựng căn cứ theo quy hoạch tổng thể mặt bằng của dự án đã được UBND tỉnh thỏa thuận để cấp phép xây dựng 95 công trình trong khi công ty chưa thực hiện thủ tục dịch chuyển vị trí chuyển mục đích sử dụng đất là còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc công ty xây dựng 55 công trình lệch vị trí và 38 công trình xây dựng ngoài vị trí.
Tại dự án này, Công ty Nam Hồ đã xây dựng 1 công trình không có giấy phép xây dựng và không nằm trong thỏa thuận tổng mặt bằng được UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng hệ thống đường giao thông, sân, bãi đậu xe nhưng chưa được cấp phép xây dựng, đây là hành vi xây dựng không phép. Tại thời điểm thanh tra, công ty chưa khắc phục triệt để vi phạm về trật tự xây dựng theo Quyết định xử phạt số 1768/QĐ-XPVPHC, Quyết định số 5242/QĐ-XPVPHC của UBND thành phố Đà Lạt.
Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, dự án này có 58 công trình sai diện tích so với giấy phép được cấp là 1.148,92m2 (đối với diện tích tầng hầm, hình thể kiến trúc, chiều cao…).