Yêu cầu cổ phần hóa MobiFone trong năm 2018 và VNPT trong năm 2019

Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu MobiFone và VTC hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018, Tập đoàn VNPT hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2019.
Theo kế hoạch, MobiFone sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018. Ảnh: Đức Thanh Theo kế hoạch, MobiFone sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018. Ảnh: Đức Thanh

“Lên tàu” cổ phần hóa

Theo kế hoạch, trước ngày 31/8/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) sẽ xem xét phê duyệt phương án cơ cấu lại MobiFone, VTC, VNPost và thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với VNPT.

Trước đó, ngày 8/8, Bộ TTTT đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ giai đoạn 2016 - 2020 và công bố lộ trình cổ phần hóa MobiFone, VNPT, VTC.

Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TTTT) cho biết, dựa trên tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, xây dựng danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo từng năm, giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 53/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT đã rà soát và báo cáo Thủ tướng về lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể, MobiFone và VTC hoàn thành cổ phần hóa năm 2018, VNPT hoàn thành năm 2019 và VNPost không thuộc đối tượng phải cổ phần hóa.

Tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ TTTT giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo tiến độ triển khai các đề án.

“Trong vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp, cần quan tâm đến quy trình, thủ tục của tái cơ cấu; quan tâm đến phương án cổ phần hóa, trong đó tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước, quy trình thủ tục phải chặt chẽ”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu.

Trước đó, hồi tháng 5/2017, tại cuộc làm việc với Ngân hàng BNP Paribas (Pháp), Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, khi tiến hành cổ phần hóa VNPT, Mobifone, Chính phủ Việt Nam không coi tối ưu hóa doanh thu là mục tiêu quan trọng nhất và duy nhất. Mục tiêu cơ bản cần đạt được là sau cổ phần hóa, doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hay cho nhiều nhà đầu tư khác nhau sẽ được xác định tùy từng trường hợp cụ thể.

VNPT sẽ IPO đúng tiến độ

Đối với VNPT, “mệnh lệnh” cổ phần hóa đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra từ tháng 8/2016 tại cuộc làm việc với tập đoàn này. Thủ tướng đã yêu cầu nghiên cứu, xây dựng phương án cổ phần hóa VNPT trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm thu hút nguồn lực để đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiếp tục giữ vai trò đơn vị chủ lực của ngành viễn thông, công nghệ thông tin trong nước.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT khẳng định, VNPT xây dựng và triển khai phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tập đoàn VNPT trong giai đoạn 2016 - 2020 đảm bảo đúng tiến độ, quy định.

Năm 2014, VNPT đã tiến hành tái cơ cấu theo Quyết định 888/QĐ-TTg, tách MobiFone khỏi VNPT và tiến hành cơ cấu lại toàn bộ VNPT theo 3 giai đoạn. VNPT đã chuyển đổi mô hình hoạt động phân định rõ các mảng hạ tầng, dịch vụ và bán hàng; tổ chức sắp xếp lại bộ máy 36.000 cán bộ, nhân viên theo hướng chuyên biệt - khác biệt - hiệu quả; chuyển giao các đơn vị; áp dụng mô hình kinh doanh mới, phương pháp quản trị mới; thành lập 3 tổng công ty: Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone), Truyền thông (VNPT-Media).

Hiện việc tái cơ cấu của VNPT đã đi đến cuối con đường, sắp kết thúc giai đoạn III. Đó chính là giai đoạn đưa toàn bộ bộ máy điều hành của các khối chức năng hiện nay xuống các tổng công ty.

Một vấn đề có ảnh hưởng đến cổ phần hóa VNPT là việc thoái vốn. Hiện tại một số doanh nghiệp VNPT đang nắm giữ cổ phần, VNPT đã tiến hành thoái vốn, nhưng có nhiều vướng mắc nên vẫn chưa thực hiện được.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, VNPT đang xây dựng Đề án cổ phần hóa và nhiều khả năng sẽ đề xuất thành lập thêm 1 - 2 tổng công ty. Hiện có khá nhiều đối tác quốc tế quan tâm đến cổ phần hóa VNPT.

Nhận diện lực cản cổ phần hóa tại MobiFone

MobiFone đã “khởi động” kế hoạch cổ phần hóa từ năm 2005. Lúc đó, Chính phủ đã yêu cầu phải tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Thậm chí, thời điểm đó, Bộ Tài chínhđã chi 20 tỷ đồng cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp này.

Sau khi tách khỏi Tập đoàn VNPT vào tháng 8/2014, MobiFone đã bắt tay vào việc cổ phần hóa. Tháng 9/2015, MobiFone chọn nhà tư vấn cổ phần hóa là Công ty Chứng khoán Bản Việt. Bản Việt sẽ chịu trách nhiệm tư vấn định giá và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho nhà mạng này.

Cuối năm 2015, MobiFone hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa để trình Bộ TTTT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Hồi năm 2009, Tập đoàn Credit Suisse, đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone định giá sơ bộ giá trị của mạng di động này vào khoảng 2 tỷ USD. Tháng 6/2014, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) ước tính giá trị MobiFone khoảng 3,4 tỷ USD và thậm chí có thể tăng lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào năm 2016 - 2017.

Trong thời gian này, MobiFone đã nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn viễn thông nước ngoài, bày tỏ ý định muốn trở thành cổ đông chiến lược như Singtel (Singapore), Telenor (Na Uy), Comvik (Thụy Điển) và Telstra (Australia)… Ngay cả VNPT cũng muốn sở hữu 20% cổ phần của MobiFone.

Cho đến nay, giá trị doanh nghiệp của MobiFone vẫn là một dấu hỏi đối với nhà đầu tư, bởi việc định giá giá trị doanh nghiệp của MobiFone được chốt tại thời điểm cuối năm 2015 chỉ có giá trị trong vòng 18 tháng. Vì vậy, khi tiến hành cổ phần hóa, MobiFone sẽ phải định giá lại và thời gian sẽ phải mất khoảng 6 tháng.

Hiện việc cổ phần hóa MobiFone đang gặp nhiều lực cản. Khi chuyện thanh tra MobiFone chưa giải quyết xong thì nhiều khả năng MobiFone chưa thể bắt đầu tiến hành cổ phần hóa. Vì vậy, việc MobiFone có hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa như yêu cầu của Bộ TTTT đặt ra hay không, vẫn còn là một ẩn số.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục