Yeah1 (YEG): Tranh thủ cổ phiếu tăng nóng, một cá nhân lướt sóng cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ đông lớn báo cáo kết quả giao dịch tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán YEG - sàn HOSE).
Yeah1 (YEG): Tranh thủ cổ phiếu tăng nóng, một cá nhân lướt sóng cổ phiếu

Theo đó, ông Nguyễn Hữu Thanh, cổ đông lớn vừa bán 1.559.700 cổ phiếu YEG để giảm sở hữu từ 5,79% về còn 0,79% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 6/6.

Trước đó, ngày 1/6, ông Nguyễn Hữu Thanh vừa mua 508.900 cổ phiếu để nâng sở hữu 4,16% lên 5,79% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của Yeah1.

Bối cảnh, cổ phiếu YEG vừa trải qua chuỗi phiên tăng nóng. Cụ thể, từ 27/5 đến 8/6, cổ phiếu YEG tăng 60,6% từ 16.250 đồng lên 26.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tranh thủ cổ phiếu YEG biến động tăng mạnh, ông Thanh đã lướt sóng cổ phiếu YEG.

Ngược lại, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT đã bán xong toàn bộ 4.034.600 cổ phiếu YEG, tỷ lệ 12,89% nhằm giải quyết tài chính cá nhân, giao dịch được thực hiện trong ngày 1/6.

Bà Trần Uyên Phương, cổ đông lớn của YEG cũng thông báo đã bán hơn 4,1 triệu cổ phiếu ngày 26/5, giảm sở hữu từ hơn 4,36 triệu cổ phiếu xuống 262.624 cổ phiếu, tỷ lệ giảm từ 13,98% xuống 0,84%, qua đó, bà Uyên cũng không còn là cổ đông lớn tại YEG. Trong phiên này có giao dịch thỏa thuận 4,1 triệu cổ phiếu YEG với giá sàn 15.700 đồng/cổ phiếu.

Trước đó ngày 10/1, bà Trần Uyên Phương vừa mua vào 3.696.808 cổ phiếu YEG để nâng sở hữu từ 2,51% lên 14,33% vốn điều lệ. Trong phiên này, có giao dịch thỏa thuận đúng bằng 3.696.808 cổ phiếu YEG với giá bằng giá sàn 22.000 đồng/cổ phiếu.

Được biết, vào tháng 2/2020, Yeah1 công bố thay đổi sở hữu khi chào đón cổ đông lớn là bà Trần Uyên Phương sau khi hoàn tất mua hơn 6 triệu cổ phiếu, tương đương 21,6% vốn, theo phương thức thoả thuận.

Khi đó, nữ doanh nhân này mua cổ phiếu YEG với thị giá khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch khoảng 300 tỷ đồng.

Sau đó, bà Uyên đã bán dần ra và đến ngày 11/11/2021, sau khi bán ra thêm 1,6 triệu cổ phiếu YEG, bà Uyên giảm sở hữu từ 7,5% về còn 2,47% vốn điều lệ tại YEG và không còn là cổ đông lớn tại YEG.

Sau khi bà Uyên mua vào 6 triệu cổ phiếu, giá cổ phiếu YEG tăng lại lên mức trên 84.000 đồng vào đầu tháng 3/2020, nhưng sau đó lao dốc dần và ngày 11/11 đóng cửa ở mức 18.050 đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, YEG ghi nhận doanh thu đạt 67,5 tỷ đồng, giảm 76,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 0,84 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 52,52 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 68,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 26,09 tỷ đồng về 11,85 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 15,8%, tương ứng giảm 0,87 tỷ đồng về 4,65 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 71,5%, tương ứng giảm 56,84 tỷ đồng về 22,66 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 18,24 tỷ đồng lên 16,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục âm 15,46 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 47,08 tỷ đồng.

Như vậy, trong kỳ lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ việc ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.

Theo thuyết minh, trong quý I/2022, công ty ghi nhận thu nhập khác tăng đột biến do ghi nhận thu nhập từ kiện tụng pháp lý 17 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/6, cổ phiếu YEG đóng cửa giá tham chiếu 24.800 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục