Cụ thể, ngày 5/8 bán ra 960.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 19,88% về còn 16,81% vốn điều lệ. Ngày 9/8 bán thêm 400.000 cổ phiếu để giảm sở hữu về 14,57% vốn điều lệ. Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu bán ra của bà Phương là 1.360.000 cổ phiếu.
Trước đó, ngày 28/7, bà Phương cũng bán ra 251.600 cổ phiếu YEG. Như vậy, bà Phương đã bán ra cổ phiếu trước thời điểm doanh nghiệp công bố lợi nhuận lỗ trong 6 tháng đầu năm.
Được biết, Bà Phương là ái nữ của Chủ tịch Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh, đồng thời đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc tập đoàn này.
Xét về tình hình kinh doanh, trong quý II/2021, Yeah1 ghi nhận doanh thu tăng 73,2% lên 311,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 144,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 3 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 54,58 tỷ đồng về âm 49,1 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 640,7%, tương ứng tăng thêm 34,6 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 1.463,6%, tương ứng tăng 32,2 tỷ đồng lên 34,4 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22,7%, tương ứng tăng thêm 13,3 tỷ đồng lên 71,8 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 69,9 tỷ đồng về âm 0,9 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn, đồng thời chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao và đặc biệt hụt lợi nhuận khác đã dẫn tới lỗ thêm 144,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 37,4% lên 600,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 197,1 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 201,82 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2021, với việc ghi nhận lỗ trong kỳ 201,1 tỷ đồng nâng mức lỗ lũy kế tới cuối quý II/2021 là 201,1 tỷ đồng. Điểm đáng lưu ý, tính tới 31/12/2020, doanh nghiệp ghi nhận lỗ lũy kế là 219,3 tỷ đồng, doanh nghiệp đã trình cổ đông kế hoạch dùng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thặng dự vốn cổ phần đã giảm 222,1 tỷ đồng về 550,87 tỷ đồng, cũng tương ứng với mức lỗ lũy kế tới 31/12/2020, nên nhiều khả năng YEG đã xóa lỗ lũy kế tính tới cuối năm 2020.
Trước đó trong năm 2020, doanh nghiệp cũng đã dùng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế trong năm 2019 là 305,4 tỷ đồng. Như vậy, với việc kinh doanh lỗ trong nhiều năm liên tục và dùng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế, mức thặng dư vốn cổ phần chỉ còn 550,87 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ khó có thể xóa lỗ lũy kế liên tục trong những năm sắp tới.
Được biết, trong năm 2021, YEG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần là 2.710 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4 tỷ đồng. Như vậy, với với ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp rất xa kế hoạch năm tài chính.
Bên cạnh việc kinh doanh lỗ, doanh nghiệp báo cáo dòng tiền kinh doanh chính trong 6 tháng đầu năm tiếp tục âm 57,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 170,3 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/8, cổ phiếu YEG giảm 300 đồng về 15.500 đồng/cổ phiếu.