Ý nghĩa tích cực từ sự cố Bông Bạch Tuyết

(ĐTCK-online) Việc CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) hoạt động thua lỗ nhưng báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy lãi đã gây nhiều lo lắng cho NĐT. Với một hệ thống văn bản quy định các chuẩn mực kế toán, kiểm toán tương đối đầy đủ, vì sao lại để xảy ra trường hợp như vậy? ĐTCK đã trao đổi với ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.
Ông Bùi Văn Mai Ông Bùi Văn Mai

Sự việc tại BBT vừa qua khiến không ít NĐT bị thiệt hại. Điều này liên quan đến trách nhiệm của công ty kiểm toán (CTKT). Liệu ngoài BBT, có những DN khác mà kết quả báo cáo kiểm toán bị sai lệch như vậy không, thưa ông?

Tôi rất buồn vì xảy ra vụ việc tại BBT đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT. Những vụ việc như thế này không sớm thì muộn cũng sẽ lộ rõ. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu tốt cho những chủ thể có liên quan đến TTCK. Chẳng hạn, NĐT sẽ hạn chế tình trạng đầu tư theo số đông, không quan tâm đến báo cáo tài chính và tình hình hoạt động của DN; cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm soát và yêu cầu CTKT cung cấp báo cáo kiểm toán chất lượng; CTKT phải thận trọng và có trách nhiệm với kết quả kiểm toán và những yếu tố ngoại trừ trong báo cáo.

Tôi không khẳng định sẽ không có báo cáo tài chính nào sai phạm như tại BBT. Bởi hình thành một báo cáo tài chính liên quan đến rất nhiều khâu, nhiều bộ phận và con người thực hiện. Báo cáo tài chính là khâu cuối cùng của một chuỗi hoạt động của DN và chỉ cần một khâu sai sót cũng khiến báo cáo tài chính bị sai lệch. Trách nhiệm lập báo cáo tài chính trước hết là thuộc ban lãnh đạo DN.

 

Và đó cũng là lý do khiến các kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ trong các báo cáo kiểm toán?

Luật cho phép kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với những vấn đề mà họ chưa có đủ cơ sở để kết luận là đúng hay sai. Đó cũng là điều mà NĐT cần quan tâm khi đọc báo cáo kiểm toán. Không ít lần tôi khuyến nghị DN phải công bố công khai báo cáo tài chính, bao gồm đầy đủ bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bản thuyết minh và đặc biệt là báo cáo kiểm toán. Trên cơ sở đó, người đọc báo cáo tài chính mới có cái nhìn đầy đủ và chân thực về tình hình tài chính của DN. Tuy nhiên, hiện nhiều DN vẫn chưa thực hiện được việc này.

 

Sở GDCK TP. HCM (HOSE) dự kiến sẽ đề nghị Bộ Tài chính quy định cụ thể hơn, rõ hơn về các khoản ngoại trừ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Hiện không có quy định cụ thể những khoản nào là ngoại trừ và những khoản nào là không được ngoại trừ, nhưng có quy định chỉ những sai sót trọng yếu mới cần ngoại trừ. Tiêu chí ngoại trừ hiện nay do các DN kiểm toán tự đưa ra. Ví dụ, có CTKT quy định: với DN có doanh thu là 50 tỷ đồng, khi có một khoản chi 5 triệu đồng trở lên mà không có chứng từ rõ ràng thì phải ngoại trừ, nhưng có CTKT lại quy định khoản chi không rõ ràng 7 triệu đồng trở lên mới là điểm sai sót trọng yếu và cần ngoại trừ… Sở dĩ các văn bản pháp luật hiện nay không quy định cụ thể vấn đề này là nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các DN kiểm toán. Tuy nhiên, không có nhiều DN đưa ra tiêu chí trọng yếu phải ngoại trừ, mà chỉ có các DN nước ngoài và một số DN lớn trong nước xây dựng được.

Nếu HOSE có văn bản gửi Bộ Tài chính về vấn đề này, chúng tôi sẽ nghiên cứu và xin ý kiến các ngành có liên quan. Quan điểm của cá nhân tôi là khó có thể đưa ra một hệ thống chi tiết mức trọng yếu phải ngoại trừ. Tuy nhiên, pháp luật sẽ quy định (định nghĩa) cụ thể thế nào là trọng yếu, hướng dẫn cách tính toán dẫn đến yếu tố trọng yếu. Trên cơ sở đó, các CTKT sẽ đưa ra tiêu chí cho mình. Hiện chúng tôi đang soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn sẽ được đưa vào Luật. Dự kiến, Luật sẽ có một chương riêng quy định về việc kiểm toán các công ty đại chúng, vì loại hình DN này có lợi ích liên quan đến nhiều người. Hy vọng, khi có Luật sẽ hạn chế tối đa những trường hợp đáng tiếc như BBT.

 

Sau sự kiện BBT, thông điệp ông muốn gửi đến các CTKT là gì?

DN thực hiện kiểm toán các công ty đại chúng và DN niêm yết thì mức độ cẩn trọng phải cao hơn rất nhiều so với DN bình thường, vì liên quan đến quyền lợi của công chúng. Quy trình kiểm toán, soát xét phải chặt chẽ hơn, phải đưa ra thông tin chuẩn, chắc chắn, giải trình có cơ sở và rõ ràng.

Tới đây, NĐT và cơ quan chức năng cũng phải đặt ra yêu cầu cao hơn, thận trọng hơn đối với thông tin mà các báo cáo tài chính đưa ra. Tuy nhiên, theo tôi, NĐT cần tự bảo vệ mình bằng cách nâng cao trình độ đọc, hiểu, phân tích báo cáo tài chính và ý kiến của kiểm toán viên để phân biệt DN hoạt động tốt, xấu ra sao.

Thanh Đoàn thực hiện
Thanh Đoàn thực hiện

Tin cùng chuyên mục