Xuất siêu thiết lập kỷ lục mới, đạt trên 16,5 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Cao hơn khá nhiều so với con số ước tính, trong 7 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế đã xuất siêu tới 16,5 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng dệt may đã giảm mạnh so với cùng kỳ, ảnh hưởng tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam Xuất khẩu hàng dệt may đã giảm mạnh so với cùng kỳ, ảnh hưởng tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 7/2023 đạt 57,1 tỷ USD, tăng 2,2%, tương ứng tăng 1,3 tỷ USD về số tuyệt đối so với tháng trước. Trong đó xuất khẩu đạt 30 tỷ USD, tăng 2,1% (tương ứng tăng 0,62 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 2,4% (tương ứng tăng 0,63 tỷ USD).

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 374,4 tỷ USD, giảm 13,8%, tương ứng giảm 60,1 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 195,4 tỷ USD, giảm 10,3% (tương đương giảm 22,4 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 178,9 tỷ USD, giảm 17,4% (tương đương giảm 37,7 tỷ USD).

Với kết quả này, thặng dư thương mại trong 7 tháng đã thiết lập kỷ lục mới, lên tới 16,5 tỷ USD, cao hơn khá nhiều so với con số ước tính 15,23 tỷ USD trước đó, và cao gấp hơn 12 lần so với mức xuất siêu 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh về tín hiệu tích cực hơn của thương mại hàng hóa, khi kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng Bảy tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 2,2%, 2,1%, 2,4%.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đồng thời bày tỏ nỗi lo khi sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Chỉ riêng về xuất khẩu, tính chung 7 tháng, vẫn giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày, thủy sản đều giảm mạnh.

Cụ thể, 7 tháng, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 3%; dệt may giảm 15,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 10,4%; giày dép giảm 17,1%; thủy sản giảm 25,4%...

Không chỉ xuất khẩu giảm, mà nhập khẩu cũng giảm mạnh. 7 tháng, giảm tới 17,4% và đó là một trong những lý do khiến nền kinh tế có xuất siêu lớn như vậy.

Xuất siêu lớn là một điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy vậy, ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, xuất siêu lớn cũng là dấu hiệu cho thấy sản xuất - kinh doanh đang gặp khó khăn, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu giảm. Điều này sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng GDP.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phải kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; tranh thủ tối đa, có hiệu quả cơ hội phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, cơ hội xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam, nhất là hàng nông sản.

“Trong tháng Tám và thời gian tới, đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, khai thác thị trường ngành thực phẩm Halal (thị trường thực phẩm dành cho người theo đạo Hồi), nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Hà Nguyễn -
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục