Xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước sẽ “bao sân”

(ĐTCK) Theo dự thảo Quyết định, NHNN sẽ quyết định giá mua bán - vàng miếng.
Xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước sẽ “bao sân”

Sau quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia, sắp tới, cơ quan này sẽ đóng vai trò làm đầu mối xuất nhập khẩu vàng và mua - bán vàng miếng với các tổ chức tín dụng, DN kinh doanh vàng nhằm bình ổn thị trường vàng. Điểm mới này được quy định tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN vừa được đưa ra trưng cầu ý kiến chuyên gia, thành viên thị trường và người dân. 

Xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước sẽ “bao sân” ảnh 1Việc lập lại trật tự trên thị trường vàng mới chỉ đi được những bước đầu tiên

 

NHNN làm đầu mối mua - bán vàng

Theo Dự thảo, căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, NHNN sẽ mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được sử dụng tiền cung ứng để mua vàng miếng bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước. Việc mua bán vàng miếng của NHNN được thực hiện với các tổ chức tín dụng, DN có thiết lập quan hệ mua bán với NHNN. Giá mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN do Thống đốc NHNN quyết định.

Việc tham gia thị trường vàng của NHNN với tư cách là người mua – bán cuối cùng nhận được sự đồng thuận từ nhiều chuyên gia. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, để lập lại trật tự cho thị trường vàng, có 2 bước NHNN cần thực hiện: Thứ nhất, chuẩn hóa chất lượng vàng miếng, chuẩn hóa các đơn vị được kinh doanh vàng miếng chính. Thứ hai là ổn định lại giá vàng với việc NHNN sẽ là người mua bán cuối cùng để bình ổn giá vàng, kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Và Dự thảo Quyết định thể hiện bước đi thứ hai của NHNN trong nỗ lực lập lại trật tự cho thị trường vàng.

“Rõ ràng, bản dự thảo đã thể hiện NHNN đang từng bước triển khai các hoạt động của mình với vai trò là người kiến tạo, mua bán cuối cùng trên thị trường. Đặc biệt, với việc Thống đốc NHNN quyết định phương án can thiệp thị trường vàng theo quy định tại Điều 4, Quyết định này. NHNN sẽ dần thu hẹp khoảng cách  giữa giá vàng trong nước và giá quốc tế, có nghĩa là NHNN sẽ qua giao dịch mua bán của mình để điều chỉnh giá cho gần lại với nhau, loại bỏ hoặc giảm thiểu yếu tố đầu cơ”, TS. Hiếu nói.

Với quy định NHNN chỉ giao dịch mua-bán vàng miếng với các tổ chức tín dụng và DN được phép hoạt động kinh doanh vàng miếng, vai trò của NHNN trong mối quan hệ với các tổ chức tín dụng, DN kinh doanh vàng lúc này cũng tương tự như trên thị trường tiền tệ.

Có hay không độc quyền kinh doanh vàng?

Bên cạnh những ý kiến đồng thuận với quy định Nhà nước đứng ra làm đầu mối xuất nhập khẩu vàng và đứng ra mua-bán vàng miếng để bình ổn thị trường vàng trong nước, thì có không ít ý kiến quan ngại về việc NHNN sẽ độc quyền thị trường vàng.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn nhận NHNN độc quyền thị trường vàng là không đúng. Với vai trò dẫn dắt và kiến tạo thị trường, NHNN đưa ra giá vàng nhằm tạo ra căn cứ để thị trường giao dịch xung quanh đó. Với việc tham gia vào hoạt động mua – bán vàng, NHNN có thể điều tiết nhằm bình ổn giá vàng trong nước. Trong hoạt động mua-bán vàng với nước ngoài, Nhà nước mới có vị trí độc quyền. Nhưng không thể hiểu chung là NHNN đang độc quyền thị trường vàng vì ở trong nội địa, các tổ chức kinh tế khác vẫn được tiếp tục giao dịch và buôn bán theo giá của họ. 

“NHNN độc quyền trong giao dịch với thị trường vàng quốc tế, nhưng sự độc quyền đó nhằm mục tiêu tối hậu là tạo sự ổn định cho thị trường nội địa”, TS. Lực nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận, rõ ràng, thị trường vàng vẫn phải chấp nhận các quyết định mang tính mệnh lệnh hành chính của NHNN, vì thị trường này chưa thể tự do vận hành theo quy luật cung - cầu. Lý do là bởi, thị trường vàng là thị trường rất phức tạp, với nhiều thành phần tham gia và là thị trường khó kiểm soát nhất, dễ gây bất ổn cho nền kinh tế.

“Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, NHNN cũng cần phải để thị trường vàng tự điều tiết. Nhưng đó phải là lúc trật tự được thiết lập, những ổn định về giá và sự liên thông với bên ngoài được tái lập. Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế, các ngân hàng trung ương không tham gia hoạt động kinh doanh vàng”, vị lãnh đạo trên nói.

Cùng quan điểm này, TS. Hiếu cho rằng, lộ trình lập lại trật tự của thị trường vàng miếng mới chỉ đi được những bước đầu tiên. Việc NHNN rút chân ra khỏi thị trường vàng chắc sẽ còn rất lâu.

 

Nhiều thách thức phía trước

Việc NHNN cùng lúc đóng hai vai trò trong hoạt động mua bán vàng miếng: một là, cơ quan điều tiết thị trường vàng trong nước; hai là, thành phần tham gia thị trường vàng thế giới đang khiến không ít ý kiến băn khoăn. Khi mua-bán vàng trên thị trường thế giới, NHNN sẽ phải chịu rủi ro thua lỗ do những biến động về giá vàng trên thị trường quốc tế. Vậy việc định giá mua - bán vàng trong nước của NHNN sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? 

“Hai vai trò của NHNN cần phải được cân đối và thực hiện một cách sáng suốt”, lãnh đạo một DN kinh doanh vàng nhận định.

Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức nhân sự cũng như hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, hệ thống mua bán... đòi hỏi phải được xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh cũng là một thách thức không nhỏ với NHNN.                                                                                      

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục