Xuất khẩu vào chặng đua nước rút

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều cơ hội để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm 2021, nhưng nghịch lý có đơn hàng mà không chắc kịp sản xuất đang “làm khó” doanh nghiệp.
Ngành dệt may đang không thiếu đơn hàng, song vấn đề hiện nay là khả năng thiếu lao động. Ảnh: Đ.T Ngành dệt may đang không thiếu đơn hàng, song vấn đề hiện nay là khả năng thiếu lao động. Ảnh: Đ.T

“Cửa” sáng cho xuất khẩu

Giống như năm ngoái, bất chấp những khó khăn vì Covid-19, xuất khẩu vẫn luôn là một điểm sáng của nền kinh tế.

Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 483 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng của Covid-19, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đang chậm lại, tháng 9 giảm 0,8% so với tháng trước, nhưng con số 27 tỷ USD/tháng là một thành tích đáng tự hào. Chỉ cách đây vài năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ khoảng 17-18 tỷ USD/tháng.

Và chỉ từ một vài, thì nay, đã có trên 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD. Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép, dệt may… là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Khác với mọi năm, năm 2021, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã được bỏ ra khỏi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội quyết nghị. Tuy nhiên, theo dự báo, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tích cực trong năm nay.

Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Ước cả năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 628 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng 10,7%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đưa ra nhận định tương tự. “Đầu năm nay, ngành công thương được giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4-5%, nhưng chúng tôi đánh giá lạc quan hơn. Dự kiến, cả năm, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt mức tăng trưởng trên 10%”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Có nhiều lý do khiến Việt Nam có “cửa sáng” trong thúc đẩy xuất khẩu. Sự hồi phục của các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… là cơ sở để doanh nghiệp Việt có thêm đơn hàng xuất khẩu.

Trong số các nền kinh tế này, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - được dự báo tiếp tục hồi phục mạnh. Các gói kích thích kinh tế của nước này đang khiến triển vọng kinh tế trở nên sáng sủa hơn, tiêu dùng theo đó cũng tăng nhanh. Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa trong tháng 8 của Mỹ tiếp tục tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy hoạt động tiêu dùng diễn biến tích cực và đây là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ở châu Âu cũng vậy. Trong quý II/2021, kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng 2%, vượt qua kỳ vọng của thị trường (tăng 1,5%). Còn Trung Quốc dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng trên 8% trong năm nay.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thương mại toàn cầu tăng nhanh trong bối cảnh nhu cầu sản xuất và tiêu dùng phục hồi. Hồi tháng 7/2021, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu lên 9,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022.

“Mặc dù tăng trưởng kinh tế còn khác nhau ở các khu vực, nhưng những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang ở trạng thái phục hồi và điều này có thể mang lại những cơ hội đối với thương mại và đầu tư cho Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Hóa giải “nghịch lý”

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là sáng sủa, nhưng tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng với các biện pháp giãn cách xã hội - dù đã được nới lỏng, lại đang “làm khó” doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Đầu năm thì hồ hởi vì đơn hàng về nhiều, có doanh nghiệp ký hết quý III, quý IV. Khi dịch bùng lên ở Bắc Ninh, Bắc Giang, doanh nghiệp cũng lo lắng, nhưng rồi tình hình vẫn khả quan. 6 tháng, 9 tháng, tình hình vẫn tốt, không bị ảnh hưởng lớn, đơn hàng vẫn ký được. Nhìn vào số liệu xuất khẩu 9 tháng vẫn tốt, nhưng thực tế thì khá bi đát.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Đó là một trong những lý do khiến Hiệp hội Dệt may Việt Nam than rằng, tình trạng hiện thời khá “bi đát”. Theo vị đại diện hiệp hội này, các doanh nghiệp dệt may đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trong năm 2021.

Theo đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 2 năm qua, chuỗi cung ứng dệt may đã trải qua 3 giai đoạn. Thời gian đầu, khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, thì đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu. Khi Âu, Mỹ bùng dịch, là đứt gãy đơn hàng. Còn bây giờ là đứt gãy sản xuất.

“Chúng tôi lo không đáp ứng được đơn hàng cho khách. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta có chống dịch được không”, vị này nói, đồng thời cho biết, một trong những khó khăn rất lớn hiện nay của ngành dệt may là thiếu lao động.

“Tới đây, khả năng chỉ có khoảng 60-65% lao động quay trở lại làm việc, bởi một số đã trở về quê, hoặc tìm cách khác để duy trì cuộc sống”, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Khó khăn là không nhỏ. Đó là lý do mà trong thời gian gần đây, liên tiếp các doanh nghiệp cung ứng, gia công cho Apple, Adidas, Nike đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Họ đều lo lắng cho vì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất bị đình trệ trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài ở Việt Nam. Mối nguy không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu là hiện hữu.

Tuy không còn ở tâm dịch như hồi đầu năm, nhưng ngay cả Công ty TNHH Công nghiệp Brother (Hải Dương), một công ty hiện có 13.000 nhân viên, mỗi năm lắp ráp khoảng 7 triệu máy in văn phòng thành phẩm để xuất khẩu cũng có những mối quan ngại tương tự.

Theo ông Kimura Tadashi, Tổng giám đốc Brother Việt Nam, do ảnh hưởng của Covid-19, một số công ty sản xuất động cơ tại TP.HCM, các công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Đà Nẵng dừng hoạt động, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung linh kiện. Do vậy, Brother Việt Nam đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, có thời điểm như trong tháng 8, chỉ đạt 60% kế hoạch. Điều này đã ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Đó chính là “nghịch lý” cần hóa giải. Hiện tại, cùng với nới lỏng giãn cách, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có các tỉnh trọng điểm về sản xuất, xuất khẩu, như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang mở cửa trở lại theo lộ trình. Các doanh nghiệp cũng đang gấp rút xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất - kinh doanh, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình còn khá khó khăn và phụ thuộc rất lớn vào thời điểm Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, cũng như lộ trình mở cửa lại nền kinh tế.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục