Một loạt hợp đồng xuất khẩu dưa hấu niên vụ 2018 vừa được doanh nghiệp Việt Nam ký kết với đối tác nhập khẩu Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế phổ biến quy định quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm dưa hấu nhập khẩu tại thành phố Quảng Ngãi
Sự kiện trên do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Quảng Tây, Trung Quốc.
Sở Thương mại Quảng Tây cho biết, chính sách nhập khẩu hoa quả từ năm 2016 đã có một số thay đổi. Năm qua, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc đã đánh giá, nghiệm thu và phê chuẩn thêm 04 cửa khẩu chỉ định nhập khẩu hoa quả và hiện Quảng Tây có 07 cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu hoa quả.
Thêm nữa, Quảng Tây cũng đã bổ sung các loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng ưu đãi về chiết khấu vay vốn nhập khẩu cho doanh nghiệp gồm thanh long, nhãn, măng cụt…
Doanh nghiệp nhập khẩu các loại trái cây trên từ Việt Nam theo hình thức thương mại thông thường hoặc thương mại biên giới, có thể căn cứ hợp đồng nhập khẩu và giấy thông quan hàng hóa để xin hỗ trợ chiết khẩu vốn với Sở Thương mại Quảng Tây…
Thương hội xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc (Bằng Tường) – ASEAN cho hay, nhu cầu nhập khẩu hoa quả Trung Quốc hàng năm rất lớn. Chỉ riêng lượng hoa quả nhập khẩu qua cửa khẩu của thành phố Bằng Tường chiếm gần 50% tổng lượng nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc.
Những năm qua, Bằng Tường đã trở thành khu vực xuất nhập khẩu hoa quả ASEAN lớn nhất của Trung Quốc, lượng xuất nhập khẩu hoa quả đã vượt qua các cửa khẩu tại Quảng Châu và Thâm Quyến, trở thành khu vực cửa khẩu số 1 trong hoạt động thương mại hoa quả giữa Trung Quốc với ASEAN.
Chỉ tính riêng các Hội viên của Thương hội, hàng năm lượng nhập khẩu hoa quả đã đạt trên 1,5 triệu tấn chủ yếu gồm sầu riêng, măng cụt, dưa hấu, thanh long, chanh leo, xoài, nhãn, vải thiều, chôm chôm, bưởi, chuối, mít... với giá trị gần 3,4 tỷ USD.
Hoa quả nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu Bằng Tường được tiêu thụ rộng rãi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Thị hiếu tiêu dùng của Trung Quốc cũng rõ nét hơn với người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm. người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải 3-4 kg/quả, vị ngọt đậm...
Bên cạnh đó, với Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc, trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cơ bản được hưởng thuế suất 0%, nhưng để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý hai nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của AQSIQ, ngoài ra, mặt hàng này bị chỉ định cửa khẩu thông quan theo quy định của Trung Quốc.
Từ đầu năm tới hết tháng 11/2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm đến 75,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Theo dự báo của FAO, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc đối với rau quả có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2017 - 2020. Như vậy, trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam còn rất lớn khi thị phần của Việt Nam còn thấp.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước tính đến hết tháng 11/2017 ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến hết năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD