Xuất khẩu tôm chững lại, triển vọng cổ phiếu tôm vẫn sáng

(ĐTCK) Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2018 suy giảm, nhưng Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ ngành tôm từ năm 2019. Trên sàn, hai cổ phiếu tôm được quan tâm nhiều nhất là MPC và FMC. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 11 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm đạt 3,27 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do giá tôm giảm và nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính thấp. VASEP ước tính, xuất khẩu tôm cả năm đạt khoảng 3,6 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2017.

Dù vậy, ngành tôm Việt Nam vẫn được đánh giá triển vọng nhờ hiệp định thương mại tự do ký với EU (EVFTA), sẽ có hiệu lực trong năm 2019. EU đang là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu tôm sang EU trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 779,7 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái và chiếm 23,8% tổng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường.

Theo một số doanh nghiệp trong ngành, Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm tôm Việt Nam so với Thái Lan. Cụ thể, thuế xuất khẩu vào EU của Việt Nam sẽ về 0%, trong khi Thái Lan vẫn ở mức 20%.

Trên sàn chứng khoán, trong các doanh nghiệp ngành tôm, Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) và Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) thời gian qua thu hút sự quan tâm nhiều nhất của giới đầu tư.

Theo thông tin từ FMC, trong tháng 11/2018, FMC đạt doanh số tiêu thụ 16,2 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh số chung đến hết tháng 11 đạt 106,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận đến hết tháng 11 đạt trên 180 tỷ đồng, vượt hơn 40 tỷ đồng so với kế hoạch năm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị FMC cho biết, 2018 là năm FMC đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong hơn 20 năm kinh doanh trên thị trường.

Nhìn nhận về triển vọng năm 2019, ông Lực cho rằng, EVFTA là một thuận lợi lớn đối với ngành tôm xuất khẩu của Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng mang lại cơ hội cho sản phẩm tôm chế biến trong việc chiếm thị phần của Trung Quốc ở Mỹ. Nhìn chung, triển vọng năm 2019 rất lạc quan cho ngành tôm Việt Nam.

Theo ông Lực, ước tính năm 2018, thị trường EU mang lại hơn 44% doanh thu cho FMC, Nhật Bản khoảng 20% và Mỹ khoảng 15%. Xuất khẩu vào Mỹ đang giảm do mức độ cạnh tranh về giá khá gay gắt, nhưng xuất khẩu vào EU đang và sẽ tăng cao nhờ tác động tích cực từ EVFTA. Trong những năm tới, Công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng từ 5 - 10%/năm.

Với MPC, giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt 612 triệu USD, dự kiến cả năm đạt hơn 1 tỷ USD. Đây là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong áp dụng công nghệ cao vào ngành tôm. Công ty đang tìm kiếm đối tác chiến lược để hiện thực hóa quy trình nuôi tôm ứng công nghệ cao. Danh tính của đối tác này sẽ được tiết lộ tại cuộc họp Đại họi đồng cổ đông bất thường dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1 tới.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MPC chia sẻ, về kỹ thuật nuôi, chế biến, Công ty có thể tự tin đứng ở vị trí số 1, nhưng vẫn còn yếu về thị trường, chủ yếu xuất khẩu theo mô hình B2B (bán buôn), chưa bán được nhiều theo mô hình B2C (bán cho người tiêu dùng).

“MPC mong muốn tìm kiếm được nhà đầu tư có thể giúp Công ty mở rộng chuỗi giá trị, liên kết với những doanh nghiệp lớn có lợi thế về thị trường để mở rộng thị trường. Hiện nay, có hai nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu đó và MPC mong muốn bán cổ phần cho cả hai. Chúng tôi đang cân nhắc tỷ lệ bán cổ phần”, ông Quang cho biết.

Lãnh đạo MPC cho biết thêm, nếu nuôi tôm được bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và tiến tới truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain, lúc đó MPC có thể bán cho khách hàng là người tiêu dùng trực tiếp, hạn chế được sự chi phối của các nhà bán lẻ đối với giá tôm hiện nay.

“Công ty dự kiến đặt kế hoạch tăng trưởng sản lượng 15% mỗi năm, nếu làm tốt và có nhà đầu tư chiến lược thì mức tăng trưởng có thể đạt 30%”, ông Quang nói.

Hiện Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường lớn của MPC, từ đầu năm 2018 đến nay chiếm lần lượt 40% và 20% giá trị xuất khẩu.           

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục