Chỉ dấu tích cực
Xuất khẩu rau quả ngay từ đầu năm 2023 đã có nhiều chỉ dấu tích cực cho một năm “bận rộn” để cán đích doanh thu 4 tỷ USD, sau khi tăng trưởng âm gần 6%, vì thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu.
Trong tháng đầu năm 2023, trong khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh, thì nhóm hàng rau quả tăng trưởng 3%, đạt 300 triệu USD.
Sự tăng trưởng dương của ngành rau quả xuất khẩu đến từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu tháng 1/2023, gia tăng nhập khẩu các loại rau, củ, quả từ Việt Nam để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như việc doanh nghiệp tiếp tục duy trì đơn hàng với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản....
Thực tế, mỗi thay đổi tại một thị trường xuất khẩu chính của rau quả sẽ ảnh hưởng đáng kể tới việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành này. Trung Quốc là trường hợp điển hình. Chiếm gần 50% doanh thu xuất khẩu toàn ngành rau quả Việt Nam, nên bất kỳ sự điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu nào của Trung Quốc đều tác động ngay đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ của nước ta.
Một tín hiệu tích cực là việc Trung Quốc mở cửa nhập chính ngạch sầu riêng Việt Nam. Chỉ trong quý IV/2022, lượng sầu riêng xuất khẩu tăng vọt, nhờ đó, cả năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 421 triệu USD, tăng 137% so với năm trước đó.
Mặt hàng chuối cũng tăng trưởng khả quan, với kim ngạch xuất khẩu trong năm qua đạt 311 triệu USD, tăng 34,5%...
Từ đầu năm đến nay, hoạt động giao thương tại các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc diễn ra sôi động. Trong đó, rau quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tại Lạng Sơn, từ ngày 1/1 đến hết ngày 13/2/2023, có 1.360 lô hàng hoa quả các loại, với gần 220.000 tấn, được xuất khẩu qua 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022.
Kỳ vọng lớn vào chuối, sầu riêng, thanh long
Năm 2023, dự báo xuất khẩu rau quả đạt trên 4 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm ngoái. Trong đó, sầu riêng sẽ là sản phẩm dẫn đầu trong các loại rau quả xuất sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, năm 2023 sẽ là năm lạc quan với xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam, trong đó có sự lên ngôi của trái sầu riêng.
Sầu riêng Việt Nam đang xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ như Australia, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc.... Trong đó, Trung Quốc nhập nhiều nhất. Dù mới được cấp giấy phép xuất khẩu chính ngạch (tháng 9/2022), nhưng chỉ sau 1 tháng, xuất khẩu sầu riêng đã tăng trên 4.000% so với cùng kỳ.
Là doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc vào cuối năm ngoái, từ đó tới nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chanh Thu Group) có các lô hàng xuất khẩu đều đặn với sản lượng hàng ngàn tấn.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, năm 2023 là giai đoạn tăng tốc của sản phẩm này, với doanh thu dự kiến tăng gấp đôi. Nhiều nhà nhập khẩu đã đặt những đơn hàng lớn, vượt khả năng cung cấp của doanh nghiệp, do hiện tại, mã số vùng trồng phía Trung Quốc cấp cho Việt Nam có hạn. Dự kiến, Chánh Thu sẽ xuất khẩu 20.000 - 30.000 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong năm nay.
Trong khi đó, thanh long, đứng tốp đầu về các mặt hàng xuất khẩu ngành rau quả, cũng có cơ hội tăng tốc trở lại trong năm 2023 nhờ việc Trung Quốc mở cửa. Các thị trường lớn như Australia, Mỹ, Nhật Bản… cũng tăng nhập khẩu loại trái cây này và được hỗ trợ bởi giá cước vận tải đã hạ nhiệt. Do đó, khả năng lấy lại được mốc tỷ USD với loại quả này là khá hiện thực.
Thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ. Ngoài quả thanh long tươi, Việt Nam cũng có thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si-rô, rượu vang thanh long… Trong đó, một số sản phẩm thanh long chế biến đã được xuất khẩu.
Chuối cũng có kỳ vọng mang về giá trị xuất khẩu lớn hơn nhiều so với con số hơn 300 triệu USD của cả năm ngoái, do “bệ phóng” là Nghị định thư về xuất khẩu được ký với Trung Quốc tháng 11/2022. Theo đó, chuối được xuất chính ngạch, với quy trình tổ chức sản xuất, bao gói được chuẩn hóa, từ đó tạo đà cho tăng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm tiếp theo. Chỉ riêng Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD nhập chuối mỗi năm, trong đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 sang thị trường này, sau Philippines.
Ngoài ra, các loại quả khác cũng tận dụng tốt hơn cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng xuất khẩu. Mới nhất, tại Hội chợ triển lãm quốc tế về trái cây, rau quả Fruit Logistica diễn ra tại Berlin (Đức), các gian hàng của doanh nghiệp Việt đã hút được lượng lớn khách hàng châu Âu.
Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp, Phái đoàn Việt Nam tại EU cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi từ gần 3 năm nay đã đưa thuế rau quả xuất khẩu về 0%, nên rất có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ cần chuẩn hóa sản xuất, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới quy trình sản xuất giảm phát thải, cải thiện công nghệ sau thu hoạch, giảm chi phí vận chuyển…, là xuất khẩu các loại trái cây nhiệt đới sang EU sẽ có nhiều triển vọng.