Xuất khẩu sẽ phục hồi rõ nét trong nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ “ấm lên” trong nửa cuối năm nay, nhất là quý IV/2023, do xuất khẩu bắt đầu hồi phục rõ nét hơn, cùng cú hích từ các biện pháp hỗ trợ với các ngành/lĩnh vực sản xuất.

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các địa phương đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn đang đối mặt đà sụt giảm mạnh. Cơ hội hồi phục sản xuất dù có, nhưng tương đối chậm, bởi cầu hàng hóa tại các thị trường nhập khẩu chính còn yếu.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu năm 2023, các địa phương như TP.HCM, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Dương... đều có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhiều tỷ USD.

Cụ thể, cả nước có 7 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 10 tỷ USD trở lên, nhưng chỉ duy nhất Bắc Giang tăng trưởng dương, khi tăng 8% so với cùng kỳ (đạt 10,7 tỷ USD).

Các địa phương còn lại duy trì được kim ngạch chục tỷ USD là TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng và Đồng Nai, đều bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, TP.HCM giảm tới hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ 2022 (đạt 19,95 tỷ USD).

Bắc Ninh ở vị trí thứ hai, kim ngạch chỉ đạt 17,06 tỷ USD, giảm gần 4,3 tỷ USD; Bình Dương ở vị trí thứ ba với kim ngạch đạt 14,75 tỷ USD, giảm 3,55 tỷ USD; Thái Nguyên đạt 12,91 tỷ USD, giảm 4,31 tỷ USD; Đồng Nai đạt 10,4 tỷ USD, giảm 2,53 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 6, xuất khẩu của cả nước đạt hơn 164 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước là 11,9%, ít hơn so với khu vực có vốn FDI là 12,2%.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, trong bối cảnh giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp chỉ đạt 0,44% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tương đối thấp.

Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm và chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành giảm 1,2%, riêng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,6% do cầu thế giới sụt giảm đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, đồ gỗ...

Chỉ số IIP của một số ngành trọng điểm trong xuất khẩu giảm, như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,7%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân nhóm giảm 4,7%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng giảm 4,6%.

Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và điều này ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á. Nhu cầu từ một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm Mỹ và EU, đã giảm mạnh. Xuất khẩu giảm tới 12% trong nửa đầu năm nay đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, ngành sản xuất công nghiệp do đó đã bị ảnh hưởng.

Việt Nam là một nền kinh tế rất mở và do đó, triển vọng tăng trưởng ngoài 2 trụ cột chính là đầu tư, thị trường nội địa, thì phụ thuộc đáng kể vào tốc độ phục hồi xuất khẩu.

Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, do xuất khẩu bắt đầu hồi phục và các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là chính sách tài khóa sẽ kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, với triển vọng tương đối yếu của nền kinh tế thế giới, sẽ có rủi ro là tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam có thể thấp hơn kỳ vọng trong năm 2023 và 2024.

Trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công thương đang rốt ráo tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP.HCM vào tháng 9/2023.

Sự kiện dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 150 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban tổ chức cũng phối hợp với các địa phương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, sự kiện kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; đầu tư bài bản để đổi mới quá trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào tới máy móc thiết bị, thông qua đó sản xuất ra các sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng với chất lượng tốt.

Thông tin từ đơn vị tổ chức, lúc này, hàng loạt đại siêu thị, các nhà phân phối bản lẻ nước ngoài đang lên danh sách mua thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất... từ các nhà cung ứng Việt Nam.

Các tập đoàn bán lẻ lớn như như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… đã xác nhận hiện diện tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục