Xuất khẩu sẽ là đầu máy kéo GDP tăng trưởng 7,0%

0:00 / 0:00
0:00
Trước sự khởi sắc của nền kinh tế, thay vì phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 6,5 đến 7%.
Bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê)

“Với đà tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024, mục tiêu này không quá xa vời”, bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) hy vọng.

Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm nay đạt mức tăng trưởng cả năm từ 6,5 - 7%, thay vì 6,5% như mục tiêu đặt ra ra tại Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 18/6/2024. Bà bình luận gì về điều này?

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tốc độ tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có kết quả hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, hoạt động ngoại thương khởi sắc, tôi nghĩ đây là một trong những lý do Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao, tức là đạt 6,5% khi ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng sau khi có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài..., đặc biệt là kết quả tích cực từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 được cập nhật.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, một số tổ chức quốc tế dự báo, năm 2024, thương mại toàn cầu tăng; cầu tiêu dùng thế giới hồi phục; lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm về mức mục tiêu… Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, năm 2024 tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,5%; Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại hàng hóa thế giới tăng 2,6% so với năm 2023, do nhu cầu giao dịch hàng hóa tăng… Trong đó, các thị trường chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam, như Hoa Kỳ và EU đang dần kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên.

Với xu hướng tích cực trên, tôi nhận định, có căn cứ khoa học để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao nhất trong năm nay, trong điều kiện thị trường thế giới và trong nước không có đột biến bất lợi.

Trái ngược với 6 tháng đầu năm 2023, bức tranh về hoạt động ngoại thương 6 tháng đầu năm 2024 có thể nói là khá sáng sủa?

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu ước đạt trên 190 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất nhập khẩu không chỉ đạt kỷ lục (tính trong nửa đầu năm), mà Việt Nam còn xuất siêu hàng hóa ước đạt 11,6 tỷ USD. Đây là mức xuất siêu trong 6 tháng đầu năm lớn nhất kể từ trước đến nay, nếu không tính 6 tháng đầu năm 2023 (xuất siêu 13,44 tỷ USD).

Nhưng phải nhấn mạnh rằng, 6 tháng đầu năm 2023, xuất siêu lớn là do nhập khẩu giảm tới 18% (chỉ đạt 152,6 tỷ USD), vì thế, xuất siêu cảnh báo hoạt động sản xuất suy giảm. Còn 6 tháng đầu năm nay, dù nhập khẩu ước tăng 17%, nhưng xuất siêu vẫn ước tăng 11,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh tín hiệu hoạt động sản xuất trong nước phục hồi mạnh mẽ.

Tình hình chung là như thế, nhưng bà có thể phân tích cụ thể hơn về hàng hóa, thị trường xuất khẩu trong nửa đầu năm nay?

Xét theo mặt hàng, trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, 6 tháng đầu năm 2024, có 38 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 91,9% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như điện tử máy tính và linh kiện ước tăng 28,6%; điện thoại các loại và linh kiện ước tăng 11,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 16%.

Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023, như cà phê ước tăng 34,5%; thủy sản ước tăng 4,9%; rau quả ước tăng 28,2%; gạo ước tăng 32,0%... Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất một số mặt hàng chủ lực ước tăng cao, như hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 14,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 21,9%; sợi dệt tăng 20,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 17,5%; vải tăng 10,8%; bông tăng 9%...

Xét theo thị trường, trị giá hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, ở hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam, như Trung Quốc tăng 5,3%; Hoa Kỳ tăng hơn 22,1%; EU tăng khoảng 14%...

Với tín hiệu tích cực này, bà dự đoán thế nào về hoạt động xuất nhập khẩu từ nay đến cuối năm?

Theo nhận định của tôi, 6 tháng cuối năm, nếu thị trường thế giới và trong nước không có đột biến bất lợi, thì dự báo kết quả hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng.

Nhiều doanh nghiệp lớn duy trì xu hướng sản xuất phục hồi trong các tháng đầu năm 2024. Trong đó, các doanh nghiệp ngành dệt may nhận đủ đơn hàng đến quý III và cuối năm 2024, nên đầu tư thêm máy móc, thiết bị, dây chuyền và tuyển thêm lao động để gia tăng năng suất, phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần nâng công suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng còn được thể hiện qua Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng liên tiếp trong 3 tháng qua và lên mức 54,7 điểm trong tháng 6. Có 4 yếu tố chi phối PMI gồm đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng và tồn kho.

Theo đánh giá của S&P Global, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Việt Nam đã tăng trưởng. Nhờ đó, sản lượng sản xuất của tháng 6 đã đạt mức tăng cao nhất trong gần 6 năm trở lại đây, cả ở khối doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục dù rất tích cực, nhưng trên thực tế Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường thế giới. Theo bà, cần phải làm gì để giữ vững được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu?

Có được kết quả như trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam được thế giới tin dùng.

Tuy nhiên, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ, linh hoạt và có hiệu quả một số nhóm giải pháp để duy trì tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, nhóm giải pháp quan trọng nhất là củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới như UAE, châu Phi, Mỹ La tinh, thị trường Halal…; thực hiện hiệu quả 16 FTA đã ký kết và thúc đẩy ký kết FTA mới.

Bên cạnh đó, thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê... Các cơ quan hữu quan, hiệp hội doanh nghiệp phải chủ động phương án xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục, cung cấp hồ sơ, thông tin đáp ứng các quy định mới của nước đối tác.

Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của nước ta, Việt Nam có lợi thế khi tiếp giáp với “thị trường tỷ dân” với hàng chục cửa khẩu quốc tế. Vì vậy, phải nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch thay vì buôn bán tiểu ngạch như từ trước đến nay, vì phía bạn cũng thay đổi phương thức xuất nhập khẩu.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục