Xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi, doanh nghiệp phấn khởi

Hoạt động thông quan xuất nhập khẩu tại cửa khẩu biên giới phía Bắc đã được mở lại, khơi thông dòng chảy thương mại với hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc, giúp doanh nghiệp trút được nỗi lo.

Tín hiệu vui

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 17,9 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc được thông quan nhanh hơn, đã khơi thông cho lượng hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng trở lại, trái hẳn với sự ì ạch hồi cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, với 4,74 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 26,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,86 tỷ USD, tăng 17,8%, chiếm 21,5% tỷ trọng xuất khẩu. Máy ảnh, máy quay phim đạt 1,16 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ. Thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 76,1%. Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 63,1%.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cũng có sự khởi sắc trở lại sau khi tăng trưởng âm 17% trong năm 2021. Bốn tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 534 triệu USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ.

Sau một thời gian chống dịch, tín hiệu tích cực là TP. Thượng Hải (Trung Quốc) đã cho phép mở lại các trung tâm thương mại, siêu thị, danh sách các doanh nghiệp được phép hoạt động tiếp tục gia tăng, đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, tạo thuận lợi cho các đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Thay đổi để thích nghi

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và đặc biệt quan trọng của Việt Nam, bởi vậy bất kỳ sự thay đổi nào, dù là nhỏ nhất, liên quan đến chính sách nhập khẩu hàng hóa, thủ tục hải quan… tại thị trường tỷ dân này đều có tác động ngay tới nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là nông, thủy sản.

Với chính sách Zero Covid và thay đổi theo hướng siết chặt chính sách nhập khẩu đối với nhóm hàng hóa nông, thủy sản, năm 2021, nhiều doanh nghiệp Việt chưa thích ứng để thay đổi kịp thời đã khiến xuất khẩu thủy sản không còn trụ vững ở nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sụt giảm 17%, còn 978 triệu USD (năm 2020 là 1,179 tỷ USD). Rau quả tuy không giảm, nhưng tăng không đáng kể ở mức 3,7%.

Sự sụt giảm mạnh của thủy sản đã khiến danh sách nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Trung Quốc trong năm 2021 chỉ còn 12 mặt hàng, dẫn đầu là điện thoại và linh kiện (15,182 tỷ USD); máy tính và linh kiện (gần 11,1 tỷ USD), xơ sợi dệt các loại (2,984 tỷ USD); máy ảnh, máy quay phim (2,972 tỷ USD); máy móc thiết bị phụ tùng (2,875 tỷ USD); cao su (2,285 tỷ USD); rau quả (1,907 tỷ USD); sắt thép (1,666 tỷ USD); giày dép (1,593 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (1,496 tỷ USD); hàng dệt may (1,343 tỷ USD); sắn và sản phẩm từ sắn (1,1 tỷ USD)…

Còn trong 4 tháng đầu năm nay, riêng xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc vẫn tiếp đà giảm, theo đó trị giá xuất khẩu đạt 625,8 triệu USD, giảm 27,7% so với cùng kỳ.

Là thị trường chiếm 53,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, việc sụt giảm ở thị trường Trung Quốc đã kéo xuất khẩu toàn ngành rau quả 4 tháng đi xuống, còn 1,17 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021. Cũng trong 4 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Hà Lan, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản dẫu tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021, nhưng do giá trị tuyệt đối nhỏ, nên mức tăng này vẫn chưa thể bù được sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với hàng rau quả của Việt Nam trong nhiều năm qua, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với tình trạng không ổn định theo tình trạng đóng và mở tại các cửa khẩu. Ngoài ra, các quy định mới về xuất nhập khẩu của nước này đã tác động đến tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông, thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu thông qua việc ban hành Lệnh số 248 và 249. Theo đó, Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” đã mở rộng phạm vi áp dụng quy định đăng ký doanh nghiệp. Quy định mới yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phải thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thay vì chỉ doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nằm trong diện “Danh mục cần đăng ký” mới phải thực hiện đăng ký như trước đây.

Đối với Lệnh số 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, Hải quan Trung Quốc thực hiện đánh giá sự phù hợp đối với thực phẩm nhập khẩu theo quy định hành chính về kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới. Đưa ra phương pháp đánh giá, thẩm tra mới, thay đổi về yêu cầu ghi nhãn. Bổ sung hàng loạt yêu cầu về nội dung bao bì, nhãn mác đối với sản phẩm thịt tươi sống, đông lạnh và thủy sản nhập khẩu…

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khuyến nghị các doanh nghiệp tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch và giảm xuất khẩu tiểu ngạch, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Dự báo trong quý II/2022, xuất khẩu rau quả, thủy sản sang Trung Quốc sẽ được cải thiện hơn, khi doanh nghiệp chủ động thay đổi, thích ứng và đáp ứng quy tiêu chuẩn mới từ nhà nhập khẩu.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục